Năm 2010 đánh dấu việc triển khai mạnh mẽ Chương trình nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, trong đó chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) đang thu hút sự quan tâm của các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù số lượng nhà ở cho người TNT được các doanh nghiệp đăng ký xây dựng vượt dự kiến, nhưng vẫn còn khá nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, cần những giải pháp đồng bộ để chương trình này thật sự đem lại hiệu quả.

Mạnh dạn đầu tư

Tháng 10-2010, 328 căn hộ của Dự án chung cư cho người có TNT CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Ðông, Hà Nội) với diện tích hơn 40.000 m2 sàn xây dựng đã được triển khai bán cho các đối tượng theo quy định. Ðây là dự án chung cư cho người TNT đầu tiên trên cả nước đã triển khai bán căn hộ cho người dân và là một trong số nhiều dự án nhà ở cho người TNT được các doanh nghiệp xây dựng trên toàn quốc. Chỉ riêng Công ty cổ phần bê-tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai, tính đến thời điểm này, không chỉ thực hiện dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Ðông, Hà Nội), công ty đang triển khai dự án thực nghiệm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ưu tiên cho các đối tượng chính sách, cán bộ, công chức và những người TNT trong tỉnh, có diện tích hơn 3,8 ha với 544 căn hộ; dự án khu nhà ở dành cho người TNT tại phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông, tổng diện tích hơn 2,5 ha và 1.512 căn hộ (70 m2/căn). Vinaconex Xuân Mai cũng đang triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bê-tông dự ứng lực tại huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng để đón đầu phục vụ dự án xây dựng 1.400 căn hộ thuộc hai dự án nhà ở xã hội tại Nại Hiên Ðông và Phong Bắc. Công ty đang hợp tác cùng Công ty nhà ở Sơn An xây dựng chung cư cho người TNT tại TP Biên Hòa (Ðồng Nai) và xúc tiến thủ tục đầu tư một dự án tương tự tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) với quy mô hơn 2.000 căn hộ...

Cùng với Vinaconex Xuân Mai, nhiều công ty khác cũng tham gia lĩnh vực này như: Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) với dự án nhà ở TNT Ðặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội); Công ty HUD4 với dự án nhà ở TNT Phú Sơn (Thanh Hóa)... Ðến nay, số lượng đăng ký xây nhà ở cho người TNT giai đoạn 2009 - 2015 của cả nước lên gần 190 dự án, vượt khoảng 10 nghìn căn hộ so với dự báo và có 37 dự án đã khởi công, tổng số vốn khoảng 3.600 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho 64 nghìn người. Mặc dù Bộ Xây dựng cũng như các địa phương đã ban hành nhiều chính sách thông thoáng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai xây dựng và bán nhà cho người TNT, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp vẫn là vốn đầu tư. Tiến độ giải ngân vốn cho các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người TNT rất chậm, đến tháng 12-2010 mới cơ bản tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký hợp đồng tín dụng vay vốn ưu đãi cho năm dự án với tổng vốn vay là 740 tỷ đồng, trong khi có rất nhiều dự án đã khởi công và đang 'khát' vốn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, hơn 70% số người có TNT của tỉnh vẫn ở trong những căn nhà thuê, vì vậy tỉnh rất quan tâm chương trình nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai, bố trí vốn gặp nhiều khó khăn do thủ tục cho vay khá rườm rà. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc tiếp tục vay vốn ngân hàng thương mại để triển khai dự án và tỉnh cũng chưa có phương án cụ thể về cấp vốn. Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai Nguyễn Văn Ða cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xây dựng nhà ở cho người TNT. Ðến thời điểm này, mặc dù là một trong những công ty triển khai mạnh mẽ nhất chương trình nhà ở cho người TNT, nhưng công ty vẫn chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ. Song, với quyết tâm cao, công ty tiếp tục triển khai các dự án, hy vọng để những người TNT sớm được vào ở trong dự án CT1 - Ngô Thì Nhậm (Hà Ðông, Hà Nội). Bên cạnh đó, quỹ đất sạch hiện không còn nhiều, các doanh nghiệp trông chờ vào 20% quỹ đất quy hoạch các khu đô thị. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án quỹ tiết kiệm nhà ở, tập trung vào đối tượng những người TNT. Ðây có thể là hướng mở để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều, cần những bước đi thận trọng.

Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình xây dựng, mà việc triển khai bán nhà cho người có TNT cũng nảy sinh nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Vừa qua, thành phố Hà Nội mới ban hành Quyết định 34/2010/QÐ-UBND ngày 16-8-2010 về việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người TNT tại khu vực đô thị. Trong khi đó, đến tháng 10-2010, việc triển khai bán những căn nhà đầu tiên cho người TNT được thực hiện. Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn đó, khó tránh khỏi những bất cập. Tại dự án CT1 - Ngô Thì Nhậm (Hà Ðông, Hà Nội), có đến hơn 50% số hồ sơ đăng ký mua nhà cho người TNT không hợp lệ, nhiều hồ sơ chưa đầy đủ thủ tục, người dân chưa tìm hiểu rõ thông tin, quy định về việc mua, bán nhà ở cho người TNT...

Một trong những khó khăn khác là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nguồn vốn vay để người TNT mua nhà. Ngay tại buổi bốc thăm mua nhà của người TNT ở trụ sở Vinaconex Xuân Mai, Ngân hàng HDBank đã giới thiệu bộ hồ sơ vay vốn mua nhà TNT. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn lướt qua, có thể thấy ưu đãi để người TNT tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng rất khó khăn. Ngoài các điều khoản ràng buộc, họ còn phải chứng minh có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng mới vào diện được xét cho vay.

Giải pháp đồng bộ

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thực tế nêu trên đòi hỏi cần những giải pháp đồng bộ.Một là, do nguồn cung nhà ở cho người TNT còn rất thiếu, cho nên cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có năng lực tiếp cận với quỹ đất sạch, các nguồn vốn ưu đãi. Cùng với đó, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng nhanh số lượng căn hộ cung cấp ra thị trường, đồng thời giảm chi phí xây dựng dự án, giảm giá bán căn hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người TNT có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở.

Hai là, khả năng mua nhà của người TNT không cao. Vì vậy, cần có cơ chế trợ giúp người TNT được vay vốn từ ngân hàng chính sách, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài hoặc các nguồn vốn trung hạn có lãi suất ưu đãi. Việc phát triển quỹ tiết kiệm nhà ở như đề xuất của Bộ Xây dựng là khả thi, nhưng để xây dựng một mô hình phù hợp thực tế, cần có những bước đi thận trọng cùng sự tham gia của Nhà nước, tránh trường hợp 'đánh trống bỏ dùi'.

Ba là, cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới nhằm giảm thấp nhất giá thành xây dựng các dự án nhà ở xã hội, bên cạnh việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Hiện nay, giá bán các căn hộ cho người TNT giảm xuống dưới 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bán có thể giảm xuống thêm nếu có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ cả từ phía các ban, ngành, địa phương lẫn doanh nghiệp.

Bốn là, ưu tiên cho những chủ đầu tư, nhà thầu có năng lực thật sự, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây dựng, quản lý dự án, đồng thời có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng nhà cho người TNT. Thực tế chỉ có một số doanh nghiệp thật sự chú trọng mảng thị trường này, phần lớn các doanh nghiệp mới làm chỉ để tạo thương hiệu với một số dự án nhỏ lẻ. Ðây cũng là yếu tố thúc đẩy phân khúc thị trường nhà ở cho người TNT.

Cafeland.vn - Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland