Sáng 18-4, tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM,
Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kết quả đánh giá quá trình đô thị
hóa ở Việt Nam được thực hiện bởi WB với sự đồng tài trợ của Liên minh
Các đô thị trên thế giới. Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam được đánh
giá thông qua sự chuyển đổi của 5 yếu tố: chính sách, kinh tế, dân số,
phúc lợi và không gian. Trong đó, những thay đổi của chính sách từ sau
đổi mới (năm 1986) và hội nhập đã tác động mạnh đến các yếu tố còn lại.
Phải cải thiện hạ tầng giao thông
Ông Dean Cira, chuyên gia trưởng về đô thị của WB, nhận xét tỉ lệ đô thị hóa tại Việt Nam là 30%, khá cao so với các nước trong khu vực. Hiện nay, đô thị hóa là yếu tố trung tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Về giao thông, tất cả các đô thị Việt Nam, kể cả những đô thị lớn nhất, vẫn có khả năng giao thông tương đối tốt với xe máy là phương tiện chính, đóng vai trò chi phối trong hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, số lượng ô tô ngày càng gia tăng đang là một thách thức bởi lẽ không một đô thị nào của Việt Nam có hệ thống giao thông đô thị hoạt động tốt, thậm chí các dịch vụ xe buýt thông thường. Vì thế, trong thời gian từ ngắn đến trung hạn, không nên bỏ quên xe máy vì đây vẫn là phương tiện giao thông đô thị hiệu quả. Đồng thời hạn chế sử dụng ô tô bằng cách chuyển cho người sử dụng mọi trách nhiệm chi phí liên quan, bao gồm cả chi phí xã hội như tắc nghẽn giao thông.
Áp lực cho Hà Nội và TPHCM
Quá trình đô thị hóa kéo theo việc di dân nội địa từ nông thôn về các
TP lớn, tạo áp lực cho các TP lớn trong việc xoay xở để đáp ứng nhu cầu
hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng. “Không nghi ngờ gì nữa, đói nghèo
cũng đang và sẽ “đô thị hóa” - ông Dean Cira nhấn mạnh.
Cũng theo WB, Việt Nam có 4 cấp đô thị và 2 đô thị đặc biệt là Hà
Nội và TPHCM, tổng cộng 94 đô thị. Dân số đô thị chiếm 34% cả nước nhưng
phân bố không đồng đều, có hiện tượng giảm dân số tại các đô thị nhỏ,
đổ dồn về 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. Điều này đã tác động lớn đến
chiến lược giảm nghèo của Việt Nam. Do đó, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên
cứu về tình trạng nghèo đô thị với 3 nội dung chính: mô tả tình trạng
nghèo ở tất cả 4 cấp đô thị, giải thích sự khác biệt tỉ lệ nghèo thành
thị và hướng liên kết nông thôn - thành thị để giảm nghèo.
Để trả giá ít nhất
Theo dự báo của WB, Việt Nam sẽ tiếp tục đô thị hóa nhanh trong 10 - 15 năm tới, từ năm 2020 đến 2025 khoảng 50% dân số sẽ sống ở đô thị. Điều đó cũng tỉ lệ thuận với các rủi ro đi kèm, vì thế Việt Nam cần nhiều giải pháp để quá trình đô thị hóa phải trả giá ít nhất. Một trong rủi ro lớn là tỉ lệ dân số tập trung quá đông về các đô thị sẽ gây áp lực cho quá trình đô thị hóa. Dẫu vậy, các vùng nông thôn vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn dân số Việt Nam và 93% người nghèo. Rủi ro từ việc phân hóa sâu sắc vùng miền là rất lớn. WB khuyến cáo cần có chính sách can thiệp đối với các vùng miền không có tiềm năng kinh tế như các đô thị lớn.
Thiệt hại do thiếu vệ sinh Một trong những vấn đề WB khá quan tâm là đời sống người dân thông qua khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị cơ bản của người dân. Tuy nhiên, ngoài nhu cầu về điện gần như đã cung cấp được khá phổ biến (96% dân số được dùng điện), các dịch vụ cơ bản, quan trọng khác còn nhiều hạn chế. Không chỉ vậy, WB còn cảnh báo tình trạng thiếu điều kiện vệ sinh đã gây thiệt hại lớn đến tài chính, kinh tế. Cụ thể, thiệt hại tài chính do điều kiện vệ sinh kém khoảng 0,5% GDP/năm, trong khi tổng thiệt hại phúc lợi dân cư tương đương 1,3% GDP/năm. Thiệt hại của yếu tố nước và môi trường vào khoảng 9,3 USD/người/năm. Nguyên nhân được chỉ ra do cơ chế cung cấp tài chính cho các dịch vụ vệ sinh thiếu hiệu quả, chưa có chiến lược nâng cao diện tích bao phủ và xử lý nước thải. |