01/04/2014 9:41 PM
Huyện Hoà Thành có một số trục lộ chính xuyên qua những cánh đồng lúa. Do ảnh hưởng tốc độ đô thị hoá nhanh nên một số khu vực đồng ruộng cũng nhanh chóng trở thành khu dân cư. Điển hình là khu vực trên đường Phạm Văn Đồng. Trên trục lộ này, trước năm 2012, người dân đã đổ đất san lấp những khoảnh ruộng ven lộ để xây dựng nhà ở, mở hàng quán kinh doanh.

Xây dựng trên phần đất chưa chuyển mục đích sử dụng

Ngày 11.5.2012, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, trong đó đưa ra một số quy định nhằm hạn chế tình trạng chuyển đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người dân nơi đây vẫn tiếp tục đổ đất trên những mảnh đất ven lộ này, biến đất ruộng thành đất thổ cư.

Điều đáng nói là có một số công trình xây dựng nhà ở, hàng quán có quy mô khá lớn với diện tích hàng ngàn mét vuông trên diện tích đất lúa nhưng vẫn được tiến hành xây dựng mà chính quyền và cơ quan chức năng lại để “lọt sổ”…

Vô tư xây nhà trên đất lúa

Chiều ngày 23.3.2014, chúng tôi đến một khu đất ven lộ trên đường Phạm Văn Đồng, ở ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành. Chủ khu đất này là vợ chồng bà Ngô Thị Yến Trinh. Thật bất ngờ khi tận mắt chứng kiến công trình xây dựng của bà Trinh.

Trên khu đất có diện tích rộng khoảng hơn 6.500m2, vợ chồng bà Trinh đang cho xây dựng nhiều dãy nhà kiên cố, có hàng rào bê tông che kín. Bên trong dãy hàng rào là những con đường nội bộ được tráng xi măng chạy dài hàng trăm mét, uốn lượn quanh khu nhà ở, nhà để xe ô tô, hồ bơi … như một resort nghỉ dưỡng. Thế nhưng khi phóng viên hỏi công trình xây dựng từ khi nào thì bà Trinh không trả lời.

Khoảng 8 giờ ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến khu đất trên, nhưng cánh cổng sắt phía ngoài đã được khoá chặt. Dán mắt vào kẽ hở ở cổng nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy có nhiều công nhân, thợ hồ đang hối hả làm việc. Một thanh niên từ phía trong chạy ra, thấy có người liền quay trở vào. Chúng tôi kêu lớn xin được vào, cửa vẫn không mở.

Biết không thể vào phía trong được, chúng tôi gọi điện thoại cho Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân và lãnh đạo các phòng Kinh tế hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra huyện Hoà Thành và Chánh Thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) báo tin công trình đang xây dựng trái phép, đề nghị cử cán bộ đến kiểm tra, xử lý.

Khoảng hơn 30 phút sau, lãnh đạo các cơ quan chức năng đến... đứng bên kia đường. 15 phút sau nữa, 3 cán bộ của xã Hiệp Tân là ông Nguyễn Hoàng Triệu– phụ trách địa chính - xây dựng, ông Trần Văn Trung– Đội phó Đội Quản lý xây dựng và ông Trần Quốc Hưng– cán bộ quản lý xây dựng đến nơi.

Thế nhưng tất cả không đến cổng công trình đang xây dựng của bà Trinh yêu cầu mở cửa kiểm tra mà vào một quán phía đối diện… ngồi uống nước và liên tục nghe điện thoại. 10 phút sau, thêm một cán bộ Thanh tra huyện Hoà Thành là ông Nguyễn Văn Trí xuất hiện. Ông Trí tỏ thái độ bất bình, đặt vấn đề vì sao vợ chồng bà Trinh ngang nhiên xây dựng trái phép mà các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, đình chỉ thi công. Tuy nhiên, sau đó cả nhóm ra về mà không vào kiểm tra chủ nhà đang xây dựng công trình trái phép (!?).

Ngoài ra, gần khu đất của vợ chồng bà Trinh, dọc con kênh Sevil cũng có rất nhiều quán cà phê, quán nhậu được xây dựng trên những khu đất lúa. Trong đó, quán cà phê Gió Và Nước là một trong những công trình vừa mới xây dựng. Trên diện tích đất lúa khá rộng, chủ quán đã đổ đất và xây dựng nơi đây trở thành một nơi giải khát khá lý tưởng.

Khi hỏi thăm, nhân viên quán cho biết chủ quán không có mặt ở đây. Liên lạc qua điện thoại, chủ quán này cho biết, việc đổ đất xây dựng quán cà phê, ông đã “làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường rồi” nên không cần thiết phải trao đổi với phóng viên.

Tiếp tục đến ngôi nhà khác trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, do vợ chồng bà Võ Thị Hải Duyên làm chủ, cũng chuyển đổi mục đích đất lúa trái phép. Vợ chồng bà Duyên không có nhà, chúng tôi liên hệ qua điện thoại đề nghị được gặp, nhưng bà Duyên từ chối.

vòng tròn “Phạt cứ phạt, xây cứ xây!”

Trở lại việc xây dựng công trình của vơ chồng bà Trinh, theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 16.4.2012, khi bà cho đổ đất san lấp mặt bằng khu đất lúa để chuẩn bị xây dựng công trình thì ông Nguyễn Thành Trai– cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoà Thành và ông Nguyễn Hoàng Triệu đến lập biên bản vi phạm với nội dung: “san lấp mặt bằng trên đất lúa, diện tích 524,7m2”.

Sau đó, ngày 18.4.2012, UBND huyện Hoà Thành ban hành quyết định xử phạt 6 triệu đồng vì hành vi: “Sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển đất trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp trái phép, buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm”.

Dù vậy, ngày 5.6.2012, bà Trinh lại tiếp tục cho đổ đất san lấp mặt bằng với diện tích lên đến 6.619,9m2 và tiếp tục bị địa phương lập biên bản. Ngày 6.8.2013, Phòng Kinh tế và hạ tầng Hoà Thành lập biên bản việc bà Trinh xây dựng hồ bơi không có giấy phép, sau đó UBND huyện Hoà Thành xử phạt bà Trinh 35 triệu đồng. Ngày 24.8.2012, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt bà Trinh 500 triệu đồng cũng về hành vi trên. Bà Trinh khiếu nại quyết định xử phạt của UBND tỉnh.

Khi các cơ quan chuyên môn Hoà Thành kiểm tra thực tế đã xác định: Trên khu đất 6.619,9m2 bà Trinh đã xây tường rào bê tông kiên cố cao 3m bao quanh khu đất, bên trong đổ đất phún và đất màu lấp gần hết diện tích đất, trên đất có trồng 5 cây xanh, xây dựng 1 căn nhà mát cột gỗ, lợp ngói, một số hạng mục còn dang dở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ngôi nhà gỗ không còn nữa, thay vào đó là những căn nhà được xây dựng kiên cố với hồ bơi rộng lớn, đường nội bộ sạch sẽ giống như một khu nghỉ dưỡng. Mới đây, ngày 18.3.2014, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoà Thành lại tiếp tục đến lập biên bản với nội dung: “Xây dựng công trình nhà và đường đi nội bộ không xin phép xây dựng”.

Về trường hợp quán cà phê Gió Và Nước, ngày 29.7.2013, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện lập biên bản chủ cơ sở là ông Phan Trần Thái Phương vì đã xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Hiện trạng lúc vi phạm là đang đổ nền xi măng, cất cột cây, mái lá. Ngày 31.7.2013, UBND huyện Hoà Thành ra quyết định xử phạt ông Phương 35 triệu đồng. Thế nhưng “phạt thì cứ phạt, xây cứ xây” nên đến nay quán đã đi vào hoạt động kinh doanh, thu hút khá đông khách.

Về trường hợp bà Võ Thị Hải Duyên, ngày 10.4.2012, UBND xã Hiệp Tân lập biên bản bà tự ý san lấp mặt bằng trên đất lúa trái phép, diện tích 140m2. Ngày 12.4.2012, UBND xã Hiệp Tân tiếp tục lập biên bản bà Duyên với hành vi san lấp mặt bằng trên đất lúa, nhưng với diện tích lớn hơn- 423,5m2.

Ngày 18.4.2012, UBND huyện Hoà Thành phạt bà Duyên 10 triệu đồng. Đến ngày 1.6.2012, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đến kiểm tra thì phát hiện bà Duyên đã san lấp mặt bằng trên đất lúa đến 2.142,6m2. Lần này UBND tỉnh ra quyết định xử phạt bà Duyên đến 200 triệu đồng.

Bà Duyên khiếu nại. Khi các cơ quan chuyên môn Hoà Thành kiểm tra, xác định bà Duyên đã đổ đất phún lấp đầy 3/4 diện tích và xây dựng rào bê tông kiên cố bao quanh, bên trong còn đất trống, chưa xây dựng. Đoàn kiểm tra huyện cũng xác định bà Duyên còn san lấp 1.111,7m2 đất lúa do bà Nguyễn Thị Xép đứng tên quyền sử dụng (bà Xép chuyển nhượng đất cho bà Duyên nhưng chưa làm thủ tục).

Ngoài ra, đoàn kiểm tra của huyện Hoà Thành cũng phát hiện nhiều trường hợp khác như: ông Nguyễn Văn Điệp chuyển 5.097m2 đất lúa sang đất phi nông nghiệp ở ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân và đề nghị xử phạt 125 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Đẹp chuyển 272m2 đất lúa, ông Nguyễn Văn Cư chuyển 728m2 đất lúa, ông Trần Hay Trường Thiện chuyển 2450,5m2 đất lúa…

Sẽ cho chuyển mục đích sử dụng?

Quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được ông Phan Thanh Dũng, ông Bùi Minh Cận cho biết, do tình hình kinh tế - xã hội phát triển, UBND huyện Hoà Thành đang thực hiện đề án mở rộng thị trấn Hoà Thành, trong đó một số diện tích đất của xã như Hiệp Tân sẽ thuộc về thị trấn.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã thông qua quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 của thị trấn Hoà Thành. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của các xã, một số diện tích đất lúa cũng sẽ được HĐND cấp xã xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Như vậy, phải chăng các cá nhân vi phạm về sử dụng đất trái phép nêu trên có thể sẽ được chuyển mục đích sử dụng để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương? Ngoài ra, trong khi chờ đợi được chuyển mục đích sử dụng, các hộ đã vi phạm cứ tiếp tục vi phạm, còn cơ quan chức năng thì “bó tay”?

Đức Tiến (Báo Tây Ninh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.