24/02/2013 10:04 PM
Sau hơn hai năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả khá tích cực và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều vùng quê.

Từ thực tế cho thấy, có rất nhiều kinh nghiệm, mô hình hay được các địa phương chủ động áp dụng đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã.

Chủ động cơ chế, chính sách

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đăng Khoa cho biết so với trước đây, hầu hết các Ban Chỉ đạo các địa phương đã hoạt động tích cực hơn, một vài nơi như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh… có sáng kiến mỗi tuần làm việc với một xã điểm, nhờ đó kịp thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Nhiều nơi đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách với những cách làm sáng tạo có hiệu quả. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn các xã gần 42.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn và huy động đóng góp của dân và các nguồn lực khác để đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây mới gần 100.000 hạng mục công trình chủ yếu.

Trong thời gian qua, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương trên cả nước. Đến nay các nơi đã và đang triển khai được 5.000 công trình với 14.000km đường giao thông nông thôn. Nhờ có sự chủ động và chính sách phù hợp nên nhiều nơi đã đầy mạnh được việc xã hội hóa.

Điển hình như tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ 200 tấn ximăng, ống cống và 2 triệu đồng/km đường thôn, xã nên chỉ trong hơn 2 năm qua, tỉnh đã xây dựng được 1.046km đường giao thông nông thôn (đạt 120% so với kế hoạch). Trong đó kinh phí đóng của dân lên tới 160 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng kinh phí triển khai.

Hay như tỉnh Ninh Bình, với cơ chế hỗ trợ ximăng cho đường thôn xóm (làm mới 180 tấn/km; cải tạo, nâng cấp 120 tấn/km), máy trộn bêtông, hỗ trợ cốtpha, ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí; huy động phù hợp với khả năng của người dân (giãn thời gian thu tiền, tăng thời gian lao động, tổ chức cấy gặt đổi công…) nên đã hoàn thành trước 2 tháng so với kế hoạch.

Tương tự với đầu tư làm đường giao thông, các địa phương đã cải tạo nâng cấp được gần 1.000 công trình thủy lợi. Trong đó, kiên cố hóa, nạo vét được 7.000km kênh mương; sửa chữa nâng cấp được hàng ngàn công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Điển hình như thành phố Hà Nội, với chính sách hỗ trợ 20-25 triệu đồng/ha đã hình thành nên phong trào rộng khắp về kiên cố hóa kênh mương gắn với dồn điền, đổi thửa góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chú trọng nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn bản, nhất là các xã thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập trung đầu tư trọng điểm

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng trong công tác xây dựng hạ tầng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng nông thôn mới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác hiện vẫn còn rất thấp.

Theo tính toán thực tế, trừ một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng… có mức đầu tư khá lớn thì các tỉnh còn lại mới chỉ đạt bình quân khoảng 2 tỷ đồng/xã; chưa kể tới việc đầu tư ở nhiều địa phương còn dài trải nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Mặt khác, các địa phương mới quan tâm tới đầu tư phát triển giao thông, trường học chứ chưa chú trọng đến các công trình y tế, văn hóa, vệ sinh môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động người dân ở một số nơi tham gia đóng góp vào xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Các công trình hạ tầng sau đầu tư đưa vào sử dụng còn thiếu sự quản lý, duy tu và bảo dưỡng…

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các địa phương tập trung huy động nguồn lực để đầu tư, cải tạo làm chuyển biến một bước hạ tầng cơ bản cấp xã, bao gồm giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá (đối với miền núi), nhà văn hóa thôn ấp.

Trong đó, mỗi địa phương cần rà soát, mỗi năm tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh một đến hai loại hạ tầng. Mỗi địa phương tập trung lựa chọn 1 đến 2 loại cơ sở hạ tầng để đầu tư hoàn thành dứt điểm, tránh dàn trải nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên việc nâng cấp, cải thiện các công trình hiện có, hạn chế làm mới và phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời bố trí nhân lực để quản lý công trình.

Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị với Chính phủ có chủ trương hỗ trợ đặc biệt cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng với mức hỗ trợ 40-60% kinh phí trực tiếp bằng xi măng (mức hỗ trợ tùy theo điều kiện thực tế của xã do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định). Số còn lại do cộng đồng huy động nội lực. Nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Giang… đã có nhiều mô hình thành công nên cũng cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích để nhân rộng.

Hoàng Tùng (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.