Ông Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nêu câu chuyện Nông trường Sông Hậu như một “bài toán khó” chưa được giải trong dự án luật Đất đai sửa đổi lần này. Ảnh: Lê Nhung
Chiều 7/9, Thường trực UB Kinh tế Quốc hội đã họp phiên mở rộng thẩm tra dự án luật Đất đai sửa đổi, với một phần ba nội dung hoàn toàn mới. Có đại biểu còn đề nghị làm luật lần này phải chi tiết ngang với Bộ luật Dân sự. Dự án luật được kỳ vọng sẽ giúp xử lý hai vấn đề: tham nhũng đất đai và khiếu kiện kéo dài.
Chính phủ quy định khung giá
Một điểm mới trong dự án luật là chuyện định giá đất. Theo đó, giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Bỏ quy định bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành và công bố hàng năm.
Chính phủ sẽ quy định khung giá các loại đất. Khi giá trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá, khung giá các loại đất và giá chuẩn của vùng giá trị đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, UBND tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương.
Tỉnh sẽ lập Quỹ phát triển đất để ứng vốn nhằm tạo điều kiện cho Nhà nước chủ đạo tạo quỹ đất sạch sau khi quy hoạch đã được công bố công khai.
Quy định trên được kỳ vọng sẽ thay đổi tình trạng lâu nay, nhà đầu tư lấy đất của dân với giá bèo, rồi chuyển thành đất thương mại với giá “trên trời”. Lợi nhuận rơi vào túi doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ, năm nào các tỉnh cũng đều chằn chặn công bố một bảng giá mới trong khi một dự án không thể xong gọn trong vòng một năm. Người dân vừa nhận xong tiền đền bù với mức giá năm cũ, chính quyền lại công bố mức giá mới, vậy là khiếu kiện.
Ông Đông cho rằng, biên độ bảng giá nên nới rộng, khoảng 3-5 năm.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Viết Ngoạn kể, có những người dân chấp hành nghiêm chủ trương giao đất nên nhanh chóng bàn giao dự án cho nhà đầu tư. Song, hàng xóm của họ thì “chầy bửa”, kì kèo đòi thêm tiền nên giao muộn hơn và được hưởng mức giá của năm khác. Vậy là khiếu kiện…
“Nên định giá một lần trong suốt quá trình thực hiện dự án, không nên điều chỉnh, hoặc là nhân nhượng, lằng nhằng”, ông Ngoạn nói. Ngoài ra, cần tính đến cơ chế giải quyết việc làm cho nông dân mất đất.
Có nên bỏ hạn mức giao đất?
Điểm mới thứ hai trong dự án luật là Nhà nước sẽ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để giao quỹ đất sạch cho các dự án công cộng hoặc cho mục đich thương mại qua đấu giá.
Theo Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển, quy định này sẽ xóa bỏ cơ chế xin cho, chạy chọt dự án.
Riêng các trường hợp sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất để thực hiện dự án.
Hầu hết thành viên UB Kinh tế tán thành với quy định này. Theo ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), có thể lập trung tâm khai thác quỹ đất, với cơ chế, chính sách hoạt động cụ thể.
Ông Vũ Viết Ngoạn đề xuất thêm, với các khu đất thu hồi phục vụ mục đích công cộng, quốc phòng an ninh kể cả giao thông thì Nhà nước có thể có quyền trưng mua cao hơn. Và quyền này phải được luật hóa.
Ông Ngoạn cũng cho rằng không nên đấu giá toàn bộ các dự án thương mại mà có thể xem xét lại, có những trường hợp đấu giá và có những dự án chỉ cần giao đất. “Quy định không nên quá chặt mà phải nghĩ tới phát triển đầu tư”, ông Ngoạn nói.
Ngoài ra, dự án luật cũng có nhiều điểm mới về hạn mức, thời hạn giao đất.
Dự thảo luật sửa đổi quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình tích tụ ruộng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Tuy nhiên, vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, chẳng hạn, đề nghị bỏ hạn mức để đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất và sản xuất hàng hóa lớn.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên tối đa không quá 5 lần hoặc 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp.
Về thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cũng đang có hai quan điểm, thứ nhất là đề nghị thực hiện giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài. Thứ hai là giao 50 năm.
Trước một số ý kiến về rắc rối trong xử lý đất nông, lâm trường, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, đây là câu chuyện phức tạp, sắp tới Bộ Chính trị sẽ xem xét vấn đề này.
Dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh và trình Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tuần sau.