Dự kiến, hôm nay (6/11), Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo lần này đã giải quyết được một số vướng mắc trước đây về thời hạn giao đất, đặc biệt là quy định chi tiết về cơ chế thu hồi đất, bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân cho rằng, vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải tiếp tục điều chỉnh để Luật sát thực tiễn hơn, quan tâm hơn đến quyền lợi, sinh kế của người dân.
Đất đai chính là tài sản, là sinh kế, là tư liệu sản xuất của nông dân.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhận định, Luật Đất đai sửa đổi lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của toàn xã hội, đã khắc phục được những tồn tại mà Luật Đất đai cũ để lại.
Riêng về mục đích thu hồi đất, ông Tiến cho rằng, khi thu hồi đất phải đảm bảo tính công khai, minh bạch về dự án, định giá đất, mức giá đền bù, hỗ trợ tái định cư và cần có quy định chặt chẽ hơn để tránh hiện tượng tiêu cực.
“Thu hồi đất đối với những công trình quốc gia quan trọng, liên quan đến an ninh quốc phòng thì đã đành, nhưng thu hồi đất của dân để cho các dự án phát triển kinh tế xã hội tôi cho rằng hơi rộng quá. Rộng quá như thế rất dễ dẫn đến lạm dụng như trong thời gian vừa qua đã xảy ra: Một số lãnh đạo chính quyền địa phương đã lợi dụng kẽ hở của luật, đồng thời lợi dụng vị trí của mình để thu hồi đất của dân với giá rất rẻ, cấp cho các chủ đầu tư và ăn chia chênh lệch. Lần này sửa đổi này nên hướng đến việc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và của người dân, đặc biệt là quan tâm đến lợi ích người dân”, ông Tiến nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lợi ích của người dân khi thu hồi đất không chỉ là mức tiền đền bù bao nhiêu, mà quan trọng hơn là đảm bảo để người dân tìm được nghề nghiệp ổn định sau khi mất đất.
Bà Lê Thị Thêm ở Đan Phượng, TP Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này nên có quy định rõ ràng về vấn đề sinh kế của người dân khi thu hồi đất để người dân có thể chuyển đổi nghề nghiệp sau khi không còn đất sản xuất và nên duy trì quỹ đất đền bù.
“Nguyện vọng của người dân sau khi bị thu hồi đất dự án là nếu có quỹ đất sẽ cho phép người dân để lại 10% diện tích chuyển đổi làm kinh doanh, buôn bán, chuyển đổi ngành nghề. Nếu không có đất, nhà nước đền bù trả bằng tiền thì trả 1 giá. Bởi sau khi mất tư liệu sản xuất nông dân rất khó chuyển nghề. Nếu đi lao động tự do ở ngoài lại càng khó khăn”, bà Thêm cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, đất đai chính là tài sản, là sinh kế, là tư liệu sản xuất của nông dân. Vì vậy, nhà đầu tư muốn có đất, ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản, còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất chứ không phải là trả một khoản tiền rồi phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất như hiện nay.
“Chúng ta phải thay đổi cách thức của việc bồi thường. Không phải chúng ta trao cho họ một cục tiền một lần mà vấn đề phải chỉ dẫn cho người ta để có sinh kế mới, để có nghề nghiệp mới. Chúng ta hãy giao trách nhiệm bồi thường sinh kế cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải bồi thường về sinh kế cho tới khi tìm được sinh kế mới. Điều này cần đưa vào quy định chứ không phải chỉ là lời hứa của nhà đầu tư. Có như vậy mới tạo động lực cho nhà đầu tư tìm mọi giải pháp cùng người nông dân tìm phương tiện thu nhập mới”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Thực tế hiện nay khi thu hồi đất, nhà đầu tư chỉ đền bù cho người dân một khoản tiền là xong và người dân phải đứng ra ngoài hàng rào dự án mà không được biết thông tin trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngay trên mảnh đất họ đang sử dụng.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cách tiếp cận này cần phải thay đổi, phải đưa người dân vào quá trình đầu tư phát triển của dự án, hay nói khách khác là phải gắn liền lợi ích của người dân với dự án. Chỉ khi đảm bảo hài hòa được lợi ích của người dân và nhà đầu tư thì mới tạo được sự hài lòng, đồng thuận của người dân và giảm được các vụ khiếu kiện kéo dài như hiện nay./.