12/09/2011 12:50 AM
Một người nhè nhè đọc “Cù Hin đất rộng người thưa/Người làm thì ít, say sưa thì nhiều”. Cách đây vài năm, dân Cù Hin nhậu vì dư tiền, dư cả niềm vui, nay họ nhậu vì… thất vọng.

Hơn 80% diện tích đất của xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị “dính” quy hoạch của một dự án khu du lịch khổng lồ, rồi “treo” nhiều năm nay. Hàng nghìn dân đang khắc khoải sống mòn, chờ ngày giải tỏa...



Bà Huỳnh Thị Ba cho biết, bà buồn muốn chết vì hai thằng con suốt ngày đánh nhau vì tranh giành đất đai.

Ngay sau khi một đại lộ được mở qua xã, khơi thông nhiều tuyến đường và có cầu nối với Quốc lộ 1A, xã Cam Hải Đông thay đổi trông thấy. Nhưng, những biến chuyển sau đó đã gây xáo trộn cuộc sống nơi đây, buồn nhiều hơn vui…


Bị chia cắt với đất liền bởi núi Cù Hin, biển và đầm Thủy Triều, gần 3.800 dân Cam Hải Đông mươi năm trước không biết đến đường nhựa và điện.


Năm 2004, Đại lộ Nguyễn Tất Thành được mở vượt qua núi Cù Hin nối TP.Nha Trang với Sân bay Cam Ranh, chạy qua suốt từ bắc đến nam xã. Cam Hải Đông như được đánh thức trong bình minh sáng sủa, với viễn cảnh về Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (gọi tắt là Khu du lịch Bãi Dài) - được xác định là khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia – sẽ chiếm 80% đất của xã.


Toàn thôn ngói hóa


Đó là những tháng ngày “mở mày mở mặt” của người dân nơi đây, đặc biệt là thôn Cù Hin. Khi Đại lộ Nguyễn Tất Thành được mở, nhà nhà hiến đất làm đường vì nhìn thấy tương lai của mình. Vị trí đắc địa, sát nơi quy hoạch Khu du lịch Bãi Dài đã làm cho giá đất ở đây tăng vùn vụt.


“Cò” đất tấp nập, nền nhà cũng mua, ruộng lúa cũng mua, bãi sú ngập mặn cũng mua… Những đại gia tận TP.HCM, Hà Nội… đánh xe con vào tận làng mua gom đất. Đất xưa nay rẻ như bèo, nay được “thổi” lên vài chục triệu đồng/sào, đỉnh điểm lên đến trên 150 triệu đồng/sào.


Ngồi vắt chân chữ ngũ trên cái ghế nhựa trước hiên nhà, lão nông 65 tuổi Lâm Thanh Trung cười: “Chớp thời cơ, tui bán liền một miếng đất được 70 triệu. Chu choa, từ cha sinh mẹ đẻ mới cầm nhiều tiền đến vậy. Tui liền sửa nhà, mua xe máy, mua ti vi, bếp gas…, quyết sống như dân thành thị, cho bằng với người ta”.


Mấy ông hàng xóm của ông Trung cũng cao hứng kể: Những năm sau khi mở đường, cả thôn Cù Hin “rần rần” xây nhà. Chỉ trong vòng 2 năm, cả thôn ngói hóa nhờ tiền bán đất, thợ xây làm không xuể việc. Một vài hộ còn được nhận tiền đền bù từ chủ dự án đến vài tỷ đồng. Nhiều người bỗng nhiên phất lên trông thấy…


Cả xã hát ca, say xỉn…


Bị tách biệt với đất liền, đi học khó khăn nên hầu hết lớp trung niên ở Cam Hải Đông mù chữ, lớp thanh niên bỏ học bám biển kiếm sống. Cả đời “ở thầm” trong tù mù đèn dầu nên khi có đại lộ, có điện đường sáng trưng, sẵn tiền bán đất, họ đua nhau tận hưởng cuộc “đổi đời”.


Giữa năm 2010, cuộc “hỗn chiến” tranh chấp lối đi giữa 2 quán nhậu Biển Đông và Thúy Linh đã làm một người chết và hàng loạt người vào tù. Hung thủ sau đó cũng tự tử trong trại giam.

Ông Nguyễn Thanh Sơn là một trong 2 hộ được cho là “đỏ” nhất làng vì có đất nằm ngay mặt tiền, ngã ba đường vào làng và đại lộ. Sau khi có được ít tiền đền bù vườn keo, ngoài việc “ngói hóa” cái nhà, ông đầu tư cho con một quán kinh doanh karaoke ngay góc đường.


Những ngày đầu, người vào hát giành nhau từng giờ. Nhưng chỉ sau vài tháng, quán ế chỏng chơ vì nhà ai cũng đã có dàn để được hát ca thoải mái. Từ sáng sớm đến tối mịt, trong làng lúc nào cũng tràn ngập tiếng nhạc xập xình, tiếng ca om tỏi...


Bãi Dài “lộ” ra cạnh đại lộ đã thu hút thêm du khách ghé tắm biển, ăn nhậu, ca hát làm náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Số quán nhậu ở Bãi Dài tăng lên gấp 10 lần.


Trưa oi ả nắng, trong cái nhà xập xệ được gọi là hội trường thôn chỉ còn trơ nền, không vách và trần nhà bung tả tơi, một nhóm ngư dân đang nhậu với đĩa cá con và can rượu đế. Một người nhè nhè đọc “Cù Hin đất rộng người thưa/Người làm thì ít, say sưa thì nhiều”.


Cách đây vài năm, dân Cù Hin nhậu vì dư tiền, dư cả niềm vui, nay họ nhậu vì… thất vọng.


Bí thư Chi bộ thôn Cù Hin, ông Trần Xuân Ngãi, cho biết: Sau khi bán bớt một phần đất để cải thiện điều kiện sống, ai cũng để lại ít đất, mong chờ vào ngày Khu du lịch Bãi Dài hoàn thành, chắc hẳn họ sẽ được “sướng lây”. Nhưng chỉ trong vòng vài năm, niềm hy vọng đó đã cạn cùng với số tiền bán đất.


Kể từ năm 2008, chính quyền “siết chặt” quản lý vùng quy hoạch, đất có sổ đỏ cũng không thể sang nhượng, không được trồng cây lâu năm, càng không được xây cất… Những năm đầu, một vài chủ dự án thỏa thuận với dân, giá đền bù cao. Nhưng từ năm 2009, Nhà nước áp giá đền bù, nên giá trị của đất ở đây rơi… tự do. Đến niềm hy vọng “bấu víu” vào cấp đất tái định cư cũng dần tắt ngúm vì chẳng thấy bóng dáng nhà đầu tư đâu.


Bà Huỳnh Thị Ba (67 tuổi), rầu rầu kể: Đất có giá, tui bán đất xây nhà, vui chút đỉnh nhưng giờ buồn muốn chết vì hai thằng con đánh nhau. Lúc đất chưa có giá, thằng anh không thèm lấy, sang nhà vợ ở. Nay hết đất rồi, nó ganh tỵ với em. Tui muốn bán nhà chia đôi cho chúng, nhưng chẳng ai mua. Hễ rượu vào là nó đuổi đánh em…


Kéo ống quần, bà Ba lau những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt chằng chịt vết nhăn.

Theo Mai Khuê (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.