Theo quy hoạch, khi Khu du lịch Bãi Dài được hoàn thiện, xã Cam Hải Đông sẽ là một đô thị hiện đại với 31 dự án khu nghỉ mát cao cấp trải dọc bờ biển và hàng loạt khu biệt thự “trải” lên tận... núi.

Nhưng, tương lai ấy chẳng làm người dân nơi đây vui...


Viễn cảnh sang trọng


Ông Trần Văn Phúc – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông kể, ông theo chân đoàn khảo sát quy hoạch Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (Khu du lịch Bãi Dài) ngay từ ngày đầu. Sau này, khi quy hoạch “vẽ” xong, ông cũng được nhận một cuốn hồ sơ quy hoạch khu này.


Theo đó, đến năm 2015, tại Cam Hải Đông sẽ hình thành xong Khu du lịch cấp quốc gia, với những nhà nghỉ, resort 4-5 sao, sang trọng bậc nhất cả nước và xứng tầm quốc tế. Năm 2020, dân số của xã sẽ là 30.000 người, tăng gấp đôi so với năm 2015 và gấp 8 lần dân số hiện nay.


Sống mòn ở vùng trọng điểm du lịch - Bài cuối: Viễn cảnh sang trọng, dân có vui?
Ông bà Ngàn lo dự án khu du lịch sẽ lấy mất vùng đặt bẫy nhử tôm hùm con, con trai họ sẽ mất kế sinh nhai.

Lúc ấy, khu dân cư dọc theo đầm Thủy Triều sẽ được chỉnh trang đẹp đẽ, khu tái định cư Cam Hải Đông ven đầm Thủy Triều sẽ đón dân bị giải tỏa ở thôn Cù Hin về sinh sống. Phía đông khu dân cư này sẽ có con đường cao tốc với chỉ giới 60m… Người dân lúc ấy sẽ được hưởng cuộc sống đô thị, được dạy nghề mới, ly nông để vào làm việc tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng.


Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết: Kế hoạch đến hết năm 2011, huyện sẽ hoàn thành việc di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Khu tái định cư dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012, lúc ấy các hộ dân sẽ được đến nơi ở mới với nguồn gốc đất hợp pháp và được quy hoạch hẳn hoi.


Tái định cư trên... biển nước?


Tìm trong tập hàng trăm trang các loại văn bản liên quan đến quy hoạch, đền bù, giải tỏa, tái định cư cho dân thôn Cù Hin, Trưởng thôn Hồ Ngọc Sáng lấy cho tôi xem văn bản của Phòng TNMT Cam Lâm nói về khu tái định cư. Theo đó, số hộ được tái định cư chỉ là 91 hộ, trong khi toàn thôn có hơn 180 hộ. Địa điểm tái định cư là khu N3, N4 ở thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông.


Nhắc đến vùng tái định cư, ông Trần Văn Phúc nói, nơi đó hiện là một biển nước. Trước đây, đó là một đồi cát trắng, Công ty CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa được phép khai thác cát xuất khẩu. Sau nhiều năm, việc khai thác cát đã biến vùng này thành hồ nước nhiễm mặn sâu hoắm. Gần đây, có mấy em nhỏ đi chơi đã bị chết đuối ở hồ nước.


Ông Phúc từng dẫn đoàn khảo sát đến thực địa, chỉ cần giẫm chân tới vùng hoàn thổ gần đó đã bị lún ào ào, làm sao mà làm khu tái định cư được! Bà Huỳnh Thị Ba cười như mếu: Nhà nước biểu đi thì tui đi, người ta sao tui vậy. Nhưng người thì đông mà đất tái định cư thì ít.


Mấy bà già hàng xóm rủ nhau: Khi nào ra bển, tụi mình già rồi, nhường đất tái định cư cho con cháu ở. Còn mấy người già, hùn nhau mua lấy cái “nôốc” (thuyền) cắm sào cạnh đó mà sống…


Và giấc mơ trồng kiệu


“Ở cái xã này, ai ai cũng có chút đỉnh họ hàng dây mơ rễ má. Giờ nghỉ hưu rồi mà tui còn chưa hết mắc cỡ với người làng, người xã bởi ngày xưa mình đã trót tuyên truyền thuyết phục dân hiến đất vì tương lai xán lạn sau này” - ông Phúc tâm sự.


Ông kể rằng, đất ở Cam Hải Đông mênh mông nhưng đã bị các dự án du lịch xí phần hết, nên chính quyền lúc nào cũng kêu thiếu đất cho khu tái định cư. Đã không thực hiện nổi việc tái định canh, đất cho tái định cư còn bị “bóp” hẹp lại.


Ban đầu, chỉ quy hoạch đất tái định cư là 80m2/hộ, ông và nhiều người đấu mãi nâng lên 120m2, rồi 200m2 và không có đất dịch vụ chuyển đổi việc làm kèm theo. Trong khi đó, hầu hết người dân Cam Hải Đông sống nhờ vào nông nghiệp và làm nghề biển. “Đất tái định cư chỉ vẻn vẹn có 200m2, lấy đâu đất mà cột bò, úp thuyền thúng, nói gì đến canh tác” – ông Phúc nói.


Con em các hộ dân ở Cam Hải Đông đều ít học, ít có cơ hội học nghề, đổi được nghề. Có lẽ đành khăn gói ly hương để kiếm ăn...


Nói về viễn cảnh ở vùng tái định cư, ông Đăng Văn Ngàn buột miệng: “Ra đó sống cũng được chứ sao. Chỗ đó mà có đất trồng kiệu thì ngon à!”. Chồng vừa dứt lời, bà Nguyễn Thị Cảnh bĩu môi: “Đừng có mơ, cả nhà 4 khẩu, hai thằng con trai sắp lấy vợ mà chỉ có 200m2 đất. Ở còn chưa đủ, bày đặt đòi có đất trồng kiệu! Ông đi thì đi, mẹ con tui không đi đâu hết, ra đó mà chết đói à”.


Cũng như mọi nhà trong thôn, gia đình ông Ngàn đi kinh tế mới, lập nghiệp ở thôn Cù Hin từ năm 1976. Khi giá đất cao, ông bán 6 sào vườn xoài để xây nhà và đầu tư dàn dụng cụ nhử tôm hùm giống cho 2 đứa con trai. Thu hoạch từ vườn điều, xoài và nghề nhử tôm hùm con đủ nuôi sống cả nhà và tích lũy chút đỉnh.


Nay, ngoài nỗi lo không có đất sản xuất tại nơi ở mới, bà Cảnh còn lo vùng gành đá ở Bãi Dài, nơi con trai bà rải bẫy nhử tôm hùm giống, sẽ bị dự án khu du lịch “rào”, nên mất nghề kiếm cơm.

Theo Mai Khuê (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.