“Chúng tôi được chủ đầu tư yêu cầu thay thế bất kỳ nhà thầu nào không có chuyển biến về tiến độ sau 3 tháng tới đây”, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư công trình đường cao tốc kết nối Hà Nội với Thái Nguyên cho biết.
Được biết, các nhà thầu thi công gói thầu PK1A, PK2 đang nằm trong “tầm ngắm” của Bộ GTVT, lý do của việc bị “soi” là bởi giá trị giải ngân ở đây tương đối thấp so với kế hoạch đề ra.
Ngoài Dự án xây dựng Quốc lộ 3, ít nhất 10 nhà thầu thuộc các dự án chậm tiến độ khác như: Dự án Nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ (WB4), Dự án cơ sở hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long (WB5), Dự án Đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (vốn vay JICA) cũng sẽ phải cải thiện năng lực thi công, nếu không muốn bị điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác, hoặc chấm dứt hợp đồng.
Sở dĩ các dự án ODA đang được Bộ GTVT chọn để mở hướng đột phá về giải ngân là bởi tín hiệu từ các đợt làm việc với các nhà tài trợ cho thấy: vốn ODA cho giao thông sẽ không bị ràng buộc theo kế hoạch năm.
“Hiện tại, chỉ còn vốn ODA và một số công trình trọng điểm không bị hạn chế về vốn, các Ban quản lý dự án, đơn vị thi công cần đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này và tích cực triển khai đẩy mạnh các dự án ngoài ngân sách để tăng mức giải ngân, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn lực cho giai đoạn 2012 – 2013”, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Đối với các nhà thầu, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bị tiết giảm, các dự án ODA với ưu thế sẵn vốn, cơ chế giải ngân thông thoáng thực sự là một giải pháp. “Đẩy nhanh tiến độ là giải pháp duy nhất đối với các nhà thầu để tối đa hoá lợi nhuận, nếu không cũng là để giảm thiểu thua lỗ trước nguy cơ giá cả hầu hết vật liệu, nhiêu liệu đầu vào đang tăng mạnh”, ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy khẳng định.
Được biết, năm 2011, Chính phủ chỉ bố trí cho các dự án ODA do Bộ GTVT quản lý khoảng 3.500 tỷ đồng vốn nước ngoài và 1.780 tỷ đồng vốn đối ứng. Tính đến đầu tháng 5/2011, nguồn vốn nước ngoài đã được các chủ đầu tư giải ngân cho các nhà thầu đã đạt 83,5% kế hoạch năm (3.104/3.500 tỷ đồng). Số lượng các dự án có tốc độ giải ngân tốt (loại A) cũng tăng mạnh so với năm 2010 (22/11), tiêu biểu là Dự án xây dựng Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải; Dự án cầu Thanh Trì (gói 6, cầu Phù Đổng 2); Dự án cầu Quốc lộ 1 giai đoạn III…
Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới việc giải ngân vượt kế hoạch vốn nước ngoài, các dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA phải vượt qua một rào cản lớn, đó việc là hầu hết các dự án xây dựng giao thông trọng điểm đều đang bị vướng mặt bằng, trong đó nặng nề nhất là các dự án triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội như: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân; Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới; Dự án xây dựng Nhà ga T2 Nội Bài…
Được biết, việc tách chuyển tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) về cho các địa phương theo yêu cầu của Chính phủ đã phần nào giảm nhẹ công việc của chủ đầu tư, nhưng thực tế, tiến độ GPMB không vì thế mà nhanh hơn vì một số địa phương còn chưa thông hiểu chính sách và chưa có sự chỉ đạo quyết liệt cần thiết.
“Các địa phương có nhiều dự án cần GPMB trên địa bàn thì các dự án của nhà đầu tư tư nhân thường được ưu tiên hơn khá nhiều so với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, kể cả các dự án sử dụng vốn ODA”, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT bình luận.