ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục quản lý công sản.
Đó là hai nội dung quan trọng trong dự thảo đề án “Khai
thác nguồn lực tài chính đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển
kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Tài chính.
Tiền Phong phỏng vấn ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục quản lý công sản.
Buộc thanh toán qua ngân hàng
Thưa ông, dự thảo đề án đề xuất sẽ đánh thuế đối với nhà ở. Cụ thể sẽ đánh thuế ra sao?
Hiện nay, với bất động sản Nhà nước mới chỉ đánh thuế
đất và chưa đánh thuế nhà. Bộ Tài chính nghiên cứu việc đánh thuế nhà
đối với những người sở hữu từ nhà thứ 2 trở lên. Việc đánh thuế ra sao
thì sẽ phải bàn kỹ. Trước mắt mức thuế nhà sẽ thấp, để người dân có ý
thức tự kê khai. Ví dụ, nhà 50m2 thì chịu thuế 500.000 đồng/năm chẳng
hạn...
Bên cạnh đó, để hạn chế đầu cơ, Nhà nước cần kiểm soát
chặt chẽ giao dịch nhà đất. Theo đó, mọi giao dịch phải thông qua sàn
giao dịch bất động sản và thanh toán qua các tổ chức tín dụng. Tức là
khi xuất trình hợp đồng chuyển nhượng để làm giấy chuyển nhượng thì phải
có hợp đồng thanh toán qua ngân hàng. Quy định này nếu được triển khai
còn hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và ngăn trốn thuế.
Căn cứ vào đâu Bộ Tài chính lại nghiên cứu đánh thuế nhà trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay?
Việc nghiên cứu đánh thuế nhà đã thực hiện từ lâu. Năm
1992, Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thuế nhà, đất và ngày 19-5-1994, Ủy
ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về
thuế nhà, đất năm 1992.
Theo đó, đối tượng chịu thuế là nhà, đất ở, đất xây
dựng công trình. Tuy nhiên, riêng thuế đối với nhà, tạm thời chưa quy
định cụ thể và chưa thu.
Bây giờ chúng ta tiếp tục nghiên cứu đánh thuế sao cho hợp lý, dù thị trường bất động sản trầm lắng hay không thì vẫn phải làm theo lộ trình. Trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình đề án để Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Tới đây, những khu biệt thự bỏ hoang sẽ bị thu phí, thay vì dự kiến đánh thuế như trước đây
Biệt thự bỏ hoang: Sẽ thu phí
Còn vấn đề đánh thuế với biệt thự bỏ hoang mà dự thảo đề án đề cập thì sao, thưa ông?
Ban đầu chúng tôi cũng tính sẽ đánh thuế với biệt thự
bỏ hoang. Tuy nhiên, việc đánh thuế do Quốc hội quyết định, trong khi để
xây dựng chính sách thuế mới rất công phu và mất nhiều thời gian.
Thêm nữa, một chính sách thuế mới để đi vào cuộc sống được phải mất vài năm nên Bộ Tài chính cân nhắc chuyển sang cách khác. Có thể sẽ thu loại phí thay vì thu thuế. Thường vụ Quốc hội vừa đưa ra hai phiên chất vấn nên Bộ Tài chính đang cân nhắc làm sao thu được theo đúng pháp luật.
Nhưng nếu thu phí với biệt thự bỏ hoang, thì thu như thế nào?
Việc thu phí cũng có nhiều trở ngại. Về mặt trực quan để biệt thự bỏ hoang là tạo điều kiện có đầu cơ bất động sản, gây bức xúc trong xã hội. Nhưng xét về góc độ tài chính thì không nghiêm trọng lắm, vì việc mua bán biệt thự bỏ hoang thì khách hàng cũng đã chịu thuế. Ở hay không ở thì người ta cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước rồi.
Nếu như khách hàng có nhiều tiền mua biệt thự nhưng không ở thường xuyên mà bảo người ta bỏ hoang thì cũng không hợp lý. Nên sẽ tính toán để thu một khoản phí nào đấy, vì thuế rất phức tạp. Chuyển sang thu phí là quyền của Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, nên sẽ nhanh hơn.
Ở đây, trường hợp xây biệt thự nhưng không có hạ tầng
như: bệnh viện, trường học xung quanh, bỏ hoang cả khu biệt thự hoặc mua
xong để mốc xanh, gây ô nhiễm môi trường thì bị thu phí. Nghe đến biệt
thự bỏ hoang thì to tát, nhưng dù có thu thì cũng không được bao nhiêu
tiền.
Cảm ơn ông.
Ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ
tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Việc đánh thuế nhà thì Bộ Tài chính
nên xem xét cụ thể, đừng phân biệt nhà nào đắt thì đánh thuế còn nhà nào
rẻ thì bỏ qua, nhưng chỉ nên đánh thuế thấp thôi, khoảng 100.000
đồng/năm. Như vậy nhà nước vẫn thu được khoản ngân sách khá lớn, chứ không phải đánh thuế cao một vài đối tượng và trừ miễn hết anh này anh khác rồi mang tiếng là đánh thuế nặng. Điều đó rất dễ xảy ra tình trạng trốn tránh, kêu ca, xin - cho và cuối cùng là dẫn đến tham nhũng. Ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nên đánh thuế nặng biệt thự bỏ hoang như các nước đã làm mới tránh được đầu cơ, làm mất mỹ quan đô thị, chứ chỉ thu phí nhẹ nhàng thì khó có tác dụng. Còn thuế nhà thì nhà nước nên tập trung đánh thuế nhà tại đô thị, có thể miễn thuế nhà tại nông thôn và miền núi. Thậm chí thuế nhà chỉ cần tập trung vào các đô thị lớn có nhu cầu phát triển, có thể miễn cho cả các đô thị kém phát triển. |