Quan điểm ủng hộ sở hữu toàn dân về đất đai dựa trên những căn cứ lịch sử khách quan sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ lập trường "tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân", thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Ðất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó may mắn trên thị trường có quyền độc chiếm sở hữu. Ðất đai của quốc gia dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.
Thứ hai, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do. Phải tạo cơ chế công bằng ngay từ gốc, tức là người lao động phải có tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, để lao động mưu sinh. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ làm cho người nghèo mất đất và khi không có tư liệu sản xuất, nhất là đất đai thì người nghèo không thể thoát nghèo được.
Thứ ba, sở hữu toàn dân về đất đai tạo cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Bởi vì, sở hữu toàn dân là sở hữu chung của tất cả mọi người dân Việt Nam. Vấn đề là cần thể chế hóa sở hữu toàn dân về đất đai bằng cơ chế quản lý và sử dụng thích hợp, nhằm có thể đạt được một lúc hai mục đích: hiệu quả và công bằng đối với người lao động. Không được sao nhãng mục tiêu công bằng, vì nếu để đạt được hiệu quả bằng cách hy sinh quyền lợi của phần lớn người lao động, của cải làm ra nhiều hơn nhưng chui vào túi người giàu thì không phải là hiệu quả chúng ta mong muốn.
Thứ tư, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp hiện nay về đất đai. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; bắt nguồn từ hệ lụy yếu kém trong quản lý đất đai cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.
Thứ năm, sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Toàn dân, tức toàn thể công dân của một nước và thiết chế đại diện chung cho họ là Nhà nước chia nhau quyền của chủ sở hữu đất đai theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, nếu chúng ta nhất trí đất đai thuộc sở hữu nhà nước thì có nghĩa là công dân không còn chút quyền nào đối với đất đai.
Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân, nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Luật Ðất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng (theo quy hoạch chung của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn... Về cơ bản người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế của quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: không được tùy ý chuyển mục đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, mục đích công cộng. Tương ứng với mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý đất đai trong cả nước được quy định trên các mặt sau: quy định mục đích sử dụng cho từng thửa đất (bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); thu hồi đất phục vụ các mục đích an ninh, quốc phòng, mục đích công cộng; thu một số khoản dựa trên đất. So sánh với Luật Ðất đai của một số nước duy trì tư hữu về đất đai, quyền của người sử dụng đất của chúng ta cũng không thua kém mấy và quyền của Nhà nước cũng không quá nhiều.
Thứ sáu, chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất. Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp, khi phần lớn số công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, họ có thể yêu cầu Nhà nước sửa Luật Ðất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Nếu Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép phần lớn còn lại thay đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.
Thứ bảy, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội chúng ta rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai. Bởi vì, đất đai là thuộc sở hữu chung của mọi công dân Việt Nam, được thực thi theo cơ chế Nhà nước được toàn dân ủy quyền cho việc giao đất cho hộ gia đình và tổ chức sử dụng và Nhà nước được ủy quyền quản lý đất đai, bảo đảm quá trình sử dụng đất đai làm sao để lợi ích của người sử dụng đất đai thống nhất với lợi ích chung của quốc gia. Khi đó, không có vấn đề tranh chấp giữa cá nhân và cá nhân. Việc giao đất hay cải cách quản lý của Nhà nước theo hướng mở rộng hơn nữa quyền của người sử dụng đất có lợi cho người lao động, nhất là có lợi cho nông dân, những người trực tiếp sử dụng đất với tư cách tư liệu sản xuất, chỉ là vấn đề tiếp theo của những quyết định đã có trong lịch sử, không phải là một cuộc đảo lộn lịch sử. Cách làm và quan niệm như vậy dễ đưa đến sự đồng thuận cần thiết của cả dân tộc trong bối cảnh nước ta còn không ít khó khăn hiện nay. Về mặt thực tế, duy trì sở hữu toàn dân trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ, sẽ có cuộc lục soát lại những gì chúng ta đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, chia nhà bỏ hoang cho cán bộ và người dân những năm sau chiến tranh. Không nên rũ rối lịch sử để rồi không đem lại lợi ích thực tế gì. Tại sao không sửa đổi theo tiến trình lịch sử, sử dụng những điều kiện đã có để tiến tới những điều kiện tốt hơn, trong đó quyền của người dân đối với đất đai vẫn được bảo toàn mà xã hội không lâm vào tình trạng bất ổn.
Thứ tám, đất đai là tài sản chung của dân tộc cho nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam. Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.
Thứ chín, không sở hữu tư nhân đất đai, bởi vì trong điều kiện nước ta hiện nay, sở hữu tư nhân về đất đai có nguy cơ dẫn đến một số hệ lụy mà chúng ta không mong muốn. Một là, trong điều kiện nước ta, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, sở hữu tư nhân đất đai sẽ đặt nhà đầu tư một dự án nào đó, vào chỗ phải thỏa thuận với quá nhiều người dân, chỉ một người không đồng ý với phương án chung là kế hoạch đầu tư khó triển khai thực hiện. Hai là, sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn là tập trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, hệ quả là có người sở hữu quá nhiều đất, người lại không có tấc đất cắm dùi. Ba là, trong chế độ sở hữu tư nhân đất đai, không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của phần lớn dân cư.
Tóm lại, cần tiếp cận sở hữu toàn dân về đất đai một cách hiện thực theo những quyền mà sở hữu đất đai có được (cũng cần nhấn mạnh rằng, các quyền này không cố định một cách cứng nhắc mà có thể thay đổi theo thời gian cũng như tính năng của đối tượng sở hữu) và phân chia quyền đó một cách hợp lý giữa người dân và cơ quan nhà nước.
PGS, TS VŨ VĂN PHÚC Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản