“Nhắc nhở” hạn chót huy động vàng
|
Ảnh minh họa. Lã Anh |
Công văn 8492 của NHNN yêu cầu các NHTM có biện pháp giảm dần số dư
huy động vốn bằng vàng để đảm bảo chấm dứt việc phát hành chứng chỉ ngắn
hạn bằng vàng vào ngày 1-5-2012, theo đúng quy định tại Thông tư 11 của
NHNN về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD.
Thực tế, sau khi Thông tư 11 được ban hành chỉ một số NHTM được phép huy động vàng bằng chứng chỉ nhằm giải quyết thanh khoản với tín dụng vàng khi khách hàng vay vốn vàng chưa trả được nợ và khách hàng gửi vàng rút vốn
Nhưng khi NHNN mở ra cơ chế cho phép 5 NHTM và SJC (G5+1) bán vàng
bình ổn, đồng loạt nhiều NHTM tiến hành huy động vàng trong dân. Cụ thể,
nhiều NHTM ngoài nhóm G5+1 đồng loạt đưa ra chính sách ưu đãi mua vàng
giá cao cho khách hàng gửi tiết kiệm bằng vàng, VNĐ hoặc USD.
Thực tế đây là một hình thức lách trần lãi suất theo quy định của
NHNN nhằm hút vốn tiền gửi. Bên cạnh đó, nhiều NHTM nhỏ cũng muốn huy
động chứng chỉ vàng, rồi mang thế chấp tại NHTM bạn để vay vốn liên NH
nhằm giải quyết thanh khoản.
Theo một lãnh đạo ACB, Công văn 8462 ra đời sẽ buộc các NHTM phải
giảm dần số dư huy động vàng, để đến tháng 5-2012 chấm dứt hẳn huy động
bằng chứng chỉ vàng. Khi đó, NH chỉ có thể triển khai dịch vụ giữ hộ
vàng cho dân có thu phí hoặc miễn phí (tùy theo chính sách của từng
NHTM).
Theo vị lãnh đạo này, còn hơn 6 tháng nữa mới đến hạn chót chấm dứt
nên các NHTM có thể xoay xở kịp việc giải quyết thanh khoản với tín dụng
vàng. Tuy nhiên, một phó tổng giám đốc NH có thế mạnh kinh doanh vàng,
cho rằng trước đây có nhiều khách hàng của NH vay vàng bán trước để đầu
cơ, nay giá vàng tăng quá cao, bị lỗ không thể bổ sung tài sản thế chấp,
dẫn đến khoản dư nợ tín dụng vàng này thành nợ xấu.
Và thực tế không ít NHTM đau đầu với nợ xấu từ tín dụng vàng, nhất là
với những khoản tín dụng vàng dài hạn 5-10 năm. Nhiều NHTM đã phải
chuyển đổi hợp đồng tín dụng vàng sang tín dụng tiền đồng dựa trên giá
vàng thực tế để tránh rủi ro giá vàng trong tương lai có thể tăng tiếp.
Tuy nhiên giải pháp này vẫn khó thu hồi nợ từ tín dụng vàng. Vì vậy,
theo vị phó tổng giám đốc trên, việc chấm dứt huy động vàng bằng chứng
chỉ có thể gây khó cho NHTM, không loại trừ một số NHTM sẽ triển khai
hình thức giữ hộ vàng với chính sách ưu đãi để đảm bảo thanh khoản khi
xử lý tín dụng vàng.
Siết sản phẩm phái sinh
Bên cạnh nhắc nhở các NHTM về huy động vàng bằng chứng chỉ, trong
Công văn 8492 NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ việc cho vay
cầm cố, thế chấp bằng vàng (bao gồm cả chứng chỉ bằng vàng), chậm nhất
15 giờ thứ sáu hàng tuần phải báo cáo NHNN về tình hình cho vay thế
chấp, cầm cố bằng vàng.
Ngoài ra, NHNN cho biết để hạn chế tình trạng đầu cơ vàng và đảm bảo
an toàn cho hoạt động cho vay, khuyến khích TCTD và chi NH hàng nước
ngoài cho vay cấm cố, thế chấp bằng vàng. Như vậy, với Công văn 8492
NHNN tiếp tục thể hiện quan điểm mạnh tay với việc chống tình trạng vàng
hóa và ngăn chặn đầu cơ vàng từ xoay vốn của NHTM.
Bởi thực tế khi giá vàng càng biến động nhu cầu đầu cơ vàng của giới đầu tư càng cao. Trước đó NHNN nâng hệ số rủi ro lên 250% đối với cho vay tiền đồng thế chấp bằng vàng cũng nhằm hạn chế các NHTM đẩy vốn vào lĩnh vực này, đồng thời triệt cửa các nhà đầu cơ vàng sử dụng “đòn bẩy tài chính” để lướt sóng vàng.
Một điểm đặc biệt trong Công văn 8492 là NHNN cấm các NHTM không được
kinh doanh, cung ứng cho khách hàng các sản phẩm phái sinh về vàng (bao
gồm hợp đồng kỳ hạn, tương lai, quyền chọn, hoán đổi…).
Theo đó, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành tiến thành thanh
tra các NHTM, nếu phát hiện phải xử lý kiên quyết. Trong số báo 465 ra
ngày 24-10-201, ĐTTC đã có bài “Lách trần lãi suất qua vàng” phản ảnh
một số NHTM trong nhóm G5+1 lách trần lãi suất huy động 14%/năm thông
qua mua hợp đồng kỳ hạn với khách hàng, như một hình thức mua vàng giá
cao cho khách hàng.
Chiêu kỳ hạn này đã tạo cơ hội hút vốn tiền gửi lớn cho các NHTM
trong nhóm G5+1 so với các NHTM khác. Như vậy, NHNN đã kịp thời chặn lỗ
hổng này bằng việc siết lại các sản phẩm phái sinh, trong đó có hợp đồng
kỳ hạn.
Theo một chuyên gia NH, Công văn 8492 phù hợp với mục tiêu chống vàng
hóa, góp phần ổn định thị trường vàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu đến
tháng 5-2012 NHNN vẫn cho các NHTM được bán vàng để can thiệp bình ổn
thị trường, trong khi không cho các NHTM huy động vàng bằng chứng chỉ,
hoặc NHNN không có chính sách hút vàng trong dân qua trái phiếu, người
dân sẽ mua vàng về cất giữ thay vì gửi NH chịu phí.
Khi đó vốn vàng nằm chết trong dân cư và các NHTM cũng khó có nguồn lực vàng để bán ra can thiệp thị trường. Do vậy, từ nay đến tháng 5-2012 nghị định quản lý vàng cần sớm được ban hành, đồng thời NHNN cũng nên gấp rút xây dựng cơ chế khai thác vàng trong dân.