Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Thực tế, lãi suất cho vay gói vốn 30.000 tỷ đồng đã được giảm xuống 5%/năm, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, cũng như đánh giá tình hình tài chính của từng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn triển khai dự án.
Gói vốn ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 2%. Vướng mắc chủ yếu do đâu, thưa ông?
Tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, nhưng cũng phải có quy định để xác định đúng đối tượng khách hàng được vay ưu đãi lãi suất mua nhà đối với gói 30.000 tỷ đồng. Để xác định được đúng đối tượng khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã thỏa thuận với nhau để đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, với các quy định hiện nay, vẫn rất khó để xác định đúng các đối tượng được vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng.
Vì thế, Bộ Xây dựng đã thống nhất đổi tên gói ưu đãi này thành gói ưu đãi dành cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, thay vì nhà ở thu nhập thấp, nhằm tạo điều kiện để giảm các thủ tục rườm rà cho các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Phía NHNN vừa ra quyết định giảm lãi suất cho vay từ 6%/năm xuống còn 5%/năm.
Bên cạnh các khách hàng cá nhân thì với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, NHNN và Bộ Xây dựng cũng đã có các quy định tương tự để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp được phép vay vốn theo cơ chế này. Đồng thời, sau khi xác định được các đối tượng thì phía doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được năng lực tài chính ở một mức nhất định để có khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng.
Nhưng hiện nay, có nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được yêu cầu về việc chứng minh năng lực tài chính, do tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp. Vì thế, để giải quyết được các vướng mắc cũng như đẩy nhanh giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, theo tôi, cần có thời gian để thực hiện.
Theo ông, nguồn tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản trong năm 2014 sẽ như thế nào?
NHNN đã có công văn cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, cũng như đánh giá tình hình tài chính của từng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay triển khai dự án với nhiều cơ chế ưu đãi, thuận lợi.
Tôi cho rằng, đây là một động thái “vô tiền khoáng hậu” ưu tiên cho doanh nghiệp bất động sản so với thời gian trước đây, cho thấy vai trò quan trọng của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phía ngân hàng sẽ giảm chuẩn mực tín dụng, điều kiện tín dụng cho vay.
Thực tế, đặc thù của lĩnh vực bất động sản là dự án được triển khai trong thời gian dài. Mặt khác, khâu thủ tục còn có vướng mắc, khiến một số doanh nghiệp có dự án tương đối tốt chưa hoàn thiện được các thủ tục vay vốn. Do đó, NHNN đã có công văn nêu trên, chỉ đạo các tổ chức tín dụng được phép ghi nhận việc này, cho phép các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại nợ, giãn tiến độ trả nợ và tiếp tục cho vay để hoàn thiện dự án.
Thời gian qua, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng lên, được cho là tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản. Vậy nợ xấu lĩnh vực bất động sản hiện nay có đáng lo ngại, thưa ông?
Nợ xấu bất động sản hiện không đáng lo ngại. Theo báo cáo của NHNN tại Quốc hội thì dư nợ cho vay bất động sản chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ và tỷ lệ nợ xấu bất động sản cũng không vượt quá nhiều so với mức nợ xấu của ngành. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là các tài sản thế chấp trong vay vốn của khách hàng chủ yếu là bất động sản.
Bên cạnh đó, có các khoản vay đầu tư vào lĩnh vực khác, nhưng có tài sản thế chấp bằng bất động sản. Vì thế, khi thị trường bất động sản suy giảm, giá trị tài sản thế chấp xuống thấp, không còn đủ điều kiện để duy trì được mức vay. Phía cơ quan quản lý đã nhìn nhận được vấn đề để có các giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoài lãi suất của gói vốn 30.000 tỷ đồng đã được điều chỉnh giảm thì với mặt bằng lãi suất chung, liệu có tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới, thưa ông?
Lãi suất đã được kéo giảm xuống khá nhiều trong thời gian qua. Lãi suất là một công cụ chính sách vĩ mô mà NHNN sử dụng để điều tiết chung, nhưng hướng tới nhiều mục tiêu, chứ không chỉ riêng một mục tiêu cho doanh nghiệp và lãi suất luôn phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Vì thế, diễn biến của lãi suất trong thời gian tới phụ thuộc vào tín hiệu của lạm phát.
Nếu như chúng ta xác định mục tiêu lạm phát khoảng 7% trong năm 2014 thì tôi cho rằng, mức lãi suất hiện nay được xem là phù hợp. Bởi lãi suất phải đảm bảo được sự hài hòa cả lợi ích của người gửi tiền, người đi vay và người cho vay.Do đó, tới đây, nếu kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì lãi suất cũng sẽ từng bước được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, NHNN, Chính phủ sẽ có sự xem xét để phân bổ vốn và ưu tiên lãi suất cho từng phân khúc, từng ngành. Chẳng hạn, với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; DN vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao), lãi suất cho vay đối với tiền đồng được áp dụng ở mức trần tối đa hiện nay là 9%/năm.