Với hình thức miễn phí hoặc giao đất với “giá ví dụ”, đất đai bỗng nhiên trở thành một thứ “của chùa”, mà hiện thân của nó chính là những dự án treo, những khu đất vàng hoang phế, nơi tồn tại nghịch cảnh người mất đất cứ mất đất, kẻ được giao thì lại để hoang.
Còn nhớ tại kỳ họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi, quy hoạch treo đã gây bức xúc đến mức một cử tri đã phát biểu đầy phẫn nộ: “Phường 28 đã bị quy hoạch treo ngót nghét 20 năm. 20 năm, thời gian đủ để hình thành nên một thế hệ. Vậy thử hỏi, thế hệ này được gì từ dự án, từ quy hoạch treo ấy?”. Và ông tha thiết kêu gọi: “Đừng để một thế hệ nữa phải sinh ra và lớn lên trong vòng vây của quy hoạch treo!”.
Hà Nội cũng không khá hơn với tình trạng cả trăm dự án treo. Giám sát mới nhất của HĐND thành phố tại 8 quận, huyện cho thấy có tới 45 dự án đang treo. Và không phải không có lý khi báo chí đã dùng từ “cù nhầy” để chỉ những dự án có khi đã treo cả thập kỷ.
Hà Nội và TP.HCM không phải là những cá biệt, ở rất nhiều nơi, trong khi chính quyền cưỡng chế thu hồi đất của nông dân thì chính tại mảnh đất đó, đang tồn tại những dự án treo khổng lồ. Và đau nhất là những người mất đất phải “canh tác chui”, “trồng trộm” trên chính mảnh đất từng thuộc về họ.
Trước Quốc hội ngày hôm qua, Bộ trưởng TNMT Nguyễn Minh Quang đã đề cập tới việc “Xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất; bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp”, dù vẫn có những ý kiến kiên quyết bảo vệ quy định “giao đất chùa”. Nếu phải cố chọn một điều tích cực trong Luật Đất đai sửa đổi thì đó hẳn nhiên là việc thu hẹp các đối tượng được Nhà nước giao đất miễn phí, để buộc họ phải trả tiền, dù chỉ là tiền thuê đất. Bởi đây là quy định sẽ hạn chế tối thiểu tình trạng lãng phí đất, dù còn cần có thời gian thẩm định. Tuy nhiên, để những quy định tiến bộ trong luật đến được tới việc xóa bỏ “những thế hệ bị treo” còn phải cần những việc làm trên thực tế. Mà gần nhất là việc thực hiện những lời hứa xóa bỏ những dự án treo, thu hồi những khu đất vàng đang bị bỏ hoang.