Một vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau hiện nay là việc giữ hay bỏ công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Dự thảo luật không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch song cũng có ý kiến đề nghị quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, có công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch đất đai hay không nên để cho các bên lựa chọn để tạo thuận lợi cho người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, trong điều kiện hiểu biết pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế, một số loại hợp đồng, giao dịch có tính chất chuyển dịch tài sản quan trọng, nguy cơ rủi ro cao, cần bắt buộc công chứng, chứng thực để các công chứng viên giúp kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; đảm bảo an toàn pháp lý cho dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Liên quan tới vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là giá đất, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Chính phủ đề nghị hai phương án, một là UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%; hai là bảng giá đất cần được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiêng về phương án hai nhưng một số Ủy viên UBTVQH lại chưa tán thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ sự thất vọng: “Luật Đất đai rất nhiều ý kiến, rất phức tạp nhưng với đề xuất lần này, tôi chưa hài lòng với cả hai phương án. Nếu giá đất cứ biến động 20% phải điều chỉnh khung giá có nghĩa là Nhà nước phải chạy theo thị trường, phải điều chỉnh liên tục và không loại trừ thiệt hại khi có hiện tượng làm giá. Còn nếu theo phương án 5 năm điều chỉnh một lần lại quá lâu, không khắc phục được những bất cập về giá đất...”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự thảo cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn nữa, giảm thiểu văn bản hướng dẫn để Luật sớm đi vào cuộc sống. Ông cảnh báo: “Tôi đọc nhiều điều trong này chưa biết thực hiện cách gì, nhất là chuyện giá đất. Nếu cứ cố làm thì dân không chịu đâu”.
Sau khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 1/2/2013 tới 31/3/2013), cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ tập trung chỉnh lý và UBTVQH sẽ cho ý kiến lần cuối trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.