Gia đình chị Trần Thị Hoa bị ảnh hưởng bởi dự án Tân Hóa - Lò Gốm và được đưa về tái định cư (TĐC) ở khu Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) hơn 1 năm. Nhưng hôm chúng tôi ghé thăm, hộ khẩu nhà chị vẫn còn ở P.3, Q.11. Việc chứng nhận giấy tờ, kể cả lĩnh tiền trợ cấp và thuốc chữa bệnh cho mẹ già... chị Hoa đều phải về lại Q.11.
|
Xuống cấp nhanh, thiếu đường vào...
Mặc dù có quy mô lớn, phục vụ cho những hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trọng điểm của TP nhưng khu TĐC Vĩnh Lộc B mới đưa vào sử dụng khoảng 1 năm đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, đường dẫn vào khu chung cư bị băm nát, chưa có chợ, bệnh viện...
Tình trạng xuống cấp cũng diễn ra mấy năm nay tại khu TĐC Lý Chiêu Hoàng (Q.Bình Tân). Ông Trần Cường, Tổ trưởng lô A, KP.5, P.An Lạc cho biết, một số cửa sổ bị rơi bể, tầng trên cùng có nhiều hộ dân bị thấm dột, nền đất xung quanh sụt lún, có nơi lún đến 30 cm. Người dân đã yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. “Khổ nhất là 6 hồ chứa nước sạch sinh hoạt của chung cư bị thủng đáy, nước bẩn ở ngoài tràn vào khiến nước đục thường xuyên. Khu TĐC đã đưa vào sử dụng từ năm 2006 đến nay mà người dân vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền nhà”, ông Cường cho hay.
Tại khu chung cư TĐC Bắc Rạch Chiếc (Q.9) còn thê thảm hơn khi đã khánh thành hơn 4 năm nay nhưng hiện chỉ lèo tèo một vài hộ dân sinh sống. Khung cảnh trông rất hoang tàn với rác bẩn, mạng nhện giăng khắp nơi. Nhiều hạng mục: cửa sổ, lan can, nền... đã xuống cấp. Một hộ dân TĐC tại chung cư này cho hay, người dân có suất TĐC không ai chịu vào ở do đến nay đường dẫn vào không có, chỉ là những con đường mòn tạm bợ, xuống cấp.
Tại các chung cư như: Tân Mỹ (Q.7), Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), Phạm Viết Chánh (Q.Bình Thạnh)... hầu hết người dân TĐC đã sang nhượng lại để tản đi nơi khác vì ở chung cư họ không thể có công việc phù hợp để mưu sinh.
|
Quỹ nhà tái định cư chỉ đáp ứng 30%
Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tình hình TĐC trên địa bàn TP hôm qua, Sở Xây dựng đưa ra cảnh báo: trong những năm tới, quỹ nhà TĐC các dự án trọng điểm sẽ bị động và thiếu so với kế hoạch, dẫn đến việc phát sinh khiếu kiện kéo dài và tạm cư dài hạn.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua thống kê từ các quận huyện, trong giai đoạn 2012 - 2020, trên địa bàn TP sẽ tiếp tục triển khai 154 dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến hơn 63.000 hộ dân, trong đó dự kiến phải TĐC cho gần 29.000 hộ. Riêng trong giai đoạn 2012 - 2015, có tới 14.655 hộ có nhu cầu TĐC, trong khi quỹ nhà, đất sẵn có chỉ có thể cân đối cho 4.482 hộ (chiếm 30%).
Theo Sở Xây dựng, từ năm 2009 UBND TP chỉ đạo ngưng tạm ứng ngân sách để mua lại quỹ nhà TĐC, mà phải sử dụng từ nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng của chính dự án trọng điểm để mua. Đây là chủ trương đúng nhằm khắc phục tình trạng vốn ngân sách TP phải chi 2 lần, đó là vừa chi cho công tác bồi thường, vừa chi mua nhà TĐC. Thế nhưng, trên thực tế tại các quận huyện, chủ trương này chưa tạo được sự chủ động trong việc chuẩn bị trước quỹ nhà TĐC. Nếu dùng tiền bồi thường mua quỹ nhà sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền chi trả cho các hộ dân không có nhu cầu nhận nhà TĐC. Bên cạnh đó, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư quỹ nhà TĐC cũng gặp khó khăn vì các nhà đầu tư đều yêu cầu các quận huyện phải ký kết hợp đồng mua quỹ nhà trước khi thi công, trong khi đó dự án bồi thường chưa được lập và phê duyệt để có nguồn thanh toán.
“Di dời khu ổ chuột này qua khu ổ chuột khác” Tại buổi làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc chiều cùng ngày, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho rằng có nhiều nơi người dân bị giải tỏa đưa vào khu dân cư mới phải xây nhà theo quy hoạch bài bản, vậy dân nghèo lấy đâu ra tiền để xây nên họ buộc phải bán suất TĐC đi nơi khác mua đất, cơi nới xây nhà trái phép. “Như vậy không khác gì chúng ta di dời khu ổ chuột này qua khu ổ chuột khác”, bà Nhung nói. |