28/03/2011 4:02 AM
Dư chấn động đất ngày 24.3 vừa qua tại Hà Nội khiến cho không ít người dân có nhu cầu mua căn hộ chung cư hoang mang, lo lắng về độ an toàn của những khu nhà cao tầng. Khá nhiều người dân có nhu cầu cấp thiết về nhà ở đặt dấu hỏi về khả năng chịu động đất của nhà chung cư...

Người dân không nên quá lo lắng

Sau sự kiện động đất tại Hà Nội, khi trao đổi với báo giới, TS Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - đã khuyến cáo người dân đang sinh sống tại các toà nhà chung cư như vậy.


Người dân không nên quá lo ngại về độ mất an toàn khi lựa chọn sống tại nhà chung cư, đổ xô đi mua đất nền để giới đầu cơ trục lợi”. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Hùng, các công trình xây dựng mới hiện nay đều thiết kế bảo đảm khả năng chống động đất vì theo quy định, những công trình ở nơi có khả năng xảy ra động đất cấp 7 bắt buộc phải thi công chống động đất. Những vùng dao động trong khoảng cấp 5-6 thì tùy theo tầm quan trọng để quyết định hoặc có những giải pháp để kháng chấn.

Còn những vùng có nguy cơ xảy ra dưới cấp 5 thì không yêu cầu. Hà Nội được đánh giá rung động cấp 7. Dù chưa ghi nhận số liệu nào cho thấy đã xảy ra tới cấp này, nhưng theo bản đồ phân vùng cấp 7 thì Hà Nội cần có thiết kế kháng chấn. Căn cứ trên bản đồ, người ta có thể tính được chính xác tới mức ở từng quận, huyện, thậm chí từng vị trí công trình phải áp dụng giải pháp kháng chấn.


“Chấn động vừa rồi tại Việt Nam khoảng 5 MSK, nên người dân cảm nhận khá rõ, tuy nhiên nguy cơ gây nên phá huỷ lớn là chưa thể xảy ra. Tôi khẳng định, tất cả các công trình được xây dựng tại các vùng có nguy cơ xảy ra động đất mạnh hiện nay ở Việt Nam đều được thiết kế kháng chấn, chống và chịu được động đất lên đến 7 độ MSK” - ông Hùng nói.


Cũng theo ông Hùng, ngoại trừ các khu tập thể, khu chung cư cũ được xây dựng từ lâu, còn lại đa số người dân đang sinh sống trong các nhà chung cư cao tầng hiện đại được xây dựng trong thời gian gần đây.


Tất cả các toà nhà này đã được thiết kế chống động đất ở cấp 7 độ MSK, khi xuất hiện những rung lắc do dư chấn, người dân không nên hốt hoảng vì theo quy định về cấp độ động đất thì động đất cấp 4 độ MSK có thể làm rung lắc các toà nhà cao tầng, nhưng không phải cứ rung lắc là công trình có thể bị sụp đổ.


Chủ đầu tư các dự án lớn nói gì?


Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Sông Đà – Thăng Long, một chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội - thì theo quy định của Bộ Xây dựng, tất cả các dự án nhà chung cư đều bắt buộc phải thiết kế theo đúng các quy định và tiêu chuẩn hiện hành và đều có tính toán kháng chấn theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 375:2006: Thiết kế công trình chịu động đất.


Chính vì vậy, theo tính toán kháng chấn cho các công trình chung cư cao tầng hiện nay, động đất được tính toán thiết kế tương đương cấp 7 độ richter. Tùy thuộc độ lớn của động đất thì cư dân trên các tòa nhà sẽ cảm thấy sự dao động của công trình khác nhau: Cấp 3-4 có thể không cảm thấy gì, cấp 5-6 có thể cảm thấy rung lắc nhẹ như trong rung chấn ngày 24.3, cấp 7 sẽ cảm nhận rõ dao động.


“Tuy nhiên, so với các chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay như khu Kim Liên, Thành Công, Thanh Xuân..., hầu hết là là nhà xây dựng trong thời kỳ công nghệ và kỹ thuật tại Việt Nam chưa phát triển, thì các công trình chung cư hiện nay đều bắt buộc phải tuân thủ các quy chuẩn xây dựng mới nhất, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Năm 1983 đã từng có một trận động đất tại Điện Biên với cường độ 6,5 độ richter và lúc đó Hà Nội bị rung chấn ở cấp 6.


Song chúng ta cũng thấy rõ vào thời điểm đó không xảy ra sụp đổ nhà ở Hà Nội. Có một điều cần lưu ý nữa là: Sự phá hủy công trình do động đất không phải do chiều cao nhà hay số tầng quyết định. Một ngôi nhà cao 50 tầng được thiết kế và thi công kháng chấn vẫn đứng vững khi động đất xảy ra, trong khi có công trình chỉ 1 hoặc 2 tầng vẫn có thể bị phá hủy hoàn toàn nếu không có thiết kế kháng chấn” - ông Dũng cho biết.


Cùng chung quan điểm này, ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Vincom, một chủ đầu tư nhiều dự án chung cư cao cấp - cũng cho rằng, các công trình chung cư cao cấp hiện nay đều đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất về phòng chống động đất. “Trên cơ sở cập nhật các nghiên cứu về hoạt động và tình trạng của nguy cơ động đất tại Việt Nam, tất cả các tổ hợp BĐS hiện có của CTCP Vincom như Vincom City Towers, Vincom Park Place (Hà Nội) Vincom Center (TPHCM) hay các đại dự dự án phức hợp đô thị đang và sẽ triển khai như Royal City, Eco City, Vincom Village... đều được tổ chức thiết kế và thi công để đạt các tiêu chuẩn phòng, chống động đất cao nhất của Việt Nam do Bộ Xây dựng ban hành.


Bên cạnh đó, các tiêu chí, giải pháp và công nghệ về phòng, chống động đất của thế giới, đặc biệt là các quốc gia thường xuyên đối diện với thiên tai này như Nhật Bản, Trung Quốc... cũng luôn được cập nhật, ứng dụng và đặt ra thành những tiêu chí quan trọng khi tiến hành thiết kế các dự án” - ông Hiệp khẳng định.


Còn theo TS Lê Quang Hùng thì trong quá trình thực hiện giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, hiện chưa phát hiện trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu nào vi phạm quy định về an toàn chống động đất. “Vì vậy, người dân không nên quá lo ngại về độ mất an toàn khi lựa chọn sống tại nhà chung cư, đổ xô đi mua đất nền để giới đầu cơ trục lợi” - ông Hùng nói.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland