Trong 10 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép nhiều doanh nghiệp san lấp hàng trăm hecta bờ biển, mặt biển vịnh Nha Trang để xây dựng các khu du lịch, khu đô thị… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang.
Ồ ạt “dời non lấp biển”
Để có đất làm dự án, các nhà đầu tư thường “ưu tiên” san lấp mặt biển dọc bờ vịnh Nha Trang. Các dự án khu giải trí Sông Lô, khu đô thị An Viên (phía nam vịnh); các khu dân cư Đường Đệ, Rusalka (phía bắc vịnh) là những ví dụ. Mặt biển ở các đảo trong vịnh cũng bị san lấp không thương tiếc. Công cuộc “dời non lấp biển” ở Nha Trang vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi mới đây tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý về chủ trương cho Công ty TNHH Hoàn Cầu san lấp 80 ha mặt biển để xây khu đô thị cao cấp.
Đáng nói là ngoài những dự án được cấp phép, không ít
nhà đầu tư đã san lấp biển trái phép nhưng không bị xử lý nghiêm. Cụ
thể, khi xây Khu du lịch Sông Lô, Công ty TNHH Hoàn Cầu đã san lấp trái
phép hơn 8 ha nhưng chỉ bị xử phạt hành chính, sau đó cho hợp thức hóa.
Nhà đầu tư dự án Rusalka cũng tự ý san lấp thêm gần 2,3 ha mặt biển…
Công ty Focus Travel huy động máy xúc san lấp vịnh Nha Trang trái phép. Ảnh: VIỆT ANH
Để lấp biển, các chủ đầu tư thường cho phá rừng ngập
mặn, đổ thẳng đất đá xuống biển. Điều này khiến môi trường sinh thái bị
hủy diệt do toàn bộ cỏ biển, san hô dưới nước bị chôn vùi. Vẻ đẹp của
vịnh Nha Trang theo đó cũng mai một dần. Theo nhà báo Lê Bá Dương, một
người sống ở Nha Trang hơn 30 năm, bây giờ không ai còn nhận ra núi Chụt
bởi nó đã bị đào xới tan hoang để lấy đất lấp biển xây dựng khu đô thị
An Viên.
Sẽ gây nhiều hệ lụy
Ông Mai Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Nhiều
ý kiến cho rằng việc lấn biển đã lấp các rạn san hô, gây suy thoái đa
dạng sinh học trong vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, thực tế phần biển bị lấn
chủ yếu tiếp giáp với đất liền, không phải là nơi có các rạn san hô
sống…”. Ông Thắng nói thêm các vấn đề về bảo vệ môi trường, hệ sinh
thái, cảnh quan của vịnh Nha Trang luôn được tỉnh và các bộ quan tâm khi
thẩm định, phê duyệt các dự án.
Thế nhưng theo các nhà khoa học, việc ồ ạt san lấp
vịnh Nha Trang sẽ gây nhiều hệ lụy, rõ nhất là ảnh hưởng về môi trường.
Từ năm 2006, Viện Hải dương học Nha Trang đã cảnh báo “tình trạng san
lấn vùng bờ vịnh Nha Trang đã tạo ra những lớp trầm tích, tiêu diệt san
hô và thảm cỏ biển ở Vũng Me…”. Cuối năm 2011, Ban Quản lý Khu bảo tồn
biển vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học khảo sát môi trường
nước, môi trường trầm tích và thực vật phù du tại 13 điểm trong vịnh Nha
Trang. Kết quả chất lượng nước trong vịnh chưa đến mức báo động nhưng
đã xuất hiện nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, đa
dạng sinh học. Còn theo người dân các phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường…,
việc lấn biển đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản gần bờ, bởi một khi các
rạn san hô chết thì cua, cá cũng không còn nơi trú ngụ.
Về vấn đề này, ông Trương Kỉnh, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cho biết: “Mấy năm nay, chúng tôi vận động học sinh, sinh viên tham gia trồng rừng ngập mặn, kết quả chỉ thêm được 5 ha, trong khi số rừng ngập mặn bị phá để làm du lịch lên đến 20 ha… Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần về việc môi trường bị xâm hại nhưng vẫn không đi tới đâu”. Ông Kỉnh kiến nghị không nên cấp phép thêm cho các dự án lấn biển. Với các dự án đã triển khai, cần yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng. Ví dụ, một dự án du lịch làm mất đi 1 ha rừng ngập mặn thì chủ đầu tư phải trồng lại 1 ha rừng ngập mặn ở bên cạnh...
So với trước đây, Nha Trang ngày càng hiện đại, nhiều khu du lịch mới ra đời nhưng vịnh Nha Trang đang mất dần đi vẻ đẹp tự nhiên. Theo tôi, chính quyền nên hạn chế việc lấn biển để xây khu du lịch, đô thị… bởi điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.
Chị NGUYỄN HƯƠNG LAN, du khách từ TP.HCM
Tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm hơn đến công tác bảo tồn vịnh Nha Trang. Khi cấp phép các dự án, tỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để doanh nghiệp hưởng lợi ích trước mắt, còn người dân phải chịu ảnh hưởng lâu dài.
BS KIỀU XUÂN CƯ, TP Nha Trang |