Dù Chính phủ đã nỗ lực hạn chế tình trạng tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà đất công, tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, tình trạng lãng phí, sai phạm trong lĩnh vực này vẫn là... rất nhiều.
Đó là đánh giá của ông Phạm Đình Cường, cục trưởng cục Quản lý công sản (bộ Tài chính) khi trao đổi về thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất công.

Ông có thể cho biết, kết quả của việc triển khai sắp xếp, xử lý nhà, đất công đến nay như thế nào?


Ông Phạm Đình Cường, cục trưởng cục Quản lý công sản.
Vào đầu năm nay, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện sắp xếp lại nhà, đất trên địa bàn Tp.HCM, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai áp dụng trên toàn quốc. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Số nhà, đất dôi dư ra được phép bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng... tạo nguồn tài chính mới để đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê, cơ sở nhà, đất công hiện nay chủ yếu tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Tính đến hết tháng 9.2010, tổng số nhà, đất công được báo cáo, kê khai tại Tp.HCM là 10.787 cơ sở, trong đó cấp có thẩm quyền đã phê duyệt là 8.319 cơ sở (chiếm 77,1%).

Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9.2010, tổng số cơ sở nhà, đất công được kê khai, báo cáo là 8.268 cơ sở, trong đó cấp có thẩm quyền đã phê duyệt là 866 cơ sở, chiếm 10,5%.

Vậy quá trình sắp xếp, xử lý có phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức, đoàn thể không, thưa ông?

Tình trạng lãng phí, sử dụng sai mục đích đất đai của một số tổ chức, đoàn thể trong mấy năm qua cũng đã được các cấp ngành Trung ương quan tâm, trong đó Chính phủ đã xem xét và đánh giá việc sử dụng đất đai là còn lãng phí.

Chính vì thực tế đó nên Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương phải cố gắng hạn chế tình trạng này.

Trong việc sắp xếp lại nhà đất công, nếu nói về sai phạm thì rất nhiều, tuy nhiên độ phổ biến thì chưa đến mức quá nghiêm trọng. Nhìn tổng thể, hiện nay các cơ quan nhà nước họ cũng chỉ sử dụng trụ sở cho nên việc sử dụng lãng phí hoặc sai mục đích thì khối lượng đó cũng không nhiều, vì trụ sở chỉ dành cho các cơ quan làm việc, nếu có thì diện tích dôi dư cũng không có nhiều.

Còn nếu so với sự lãng phí như đất nông trường, lâm trường, đất giao cho các dự án đầu tư chậm khai thác sử dụng thì đây mới là sự lãng phí lớn.

Theo tôi, để khắc phục những hạn chế trên cần quá trình phấn đấu lâu dài vì việc lãng phí này là hệ luỵ của cơ chế cũ khi việc phân phối nhà ở hay việc giao đất, cho thuê đất theo cơ chế bao cấp. Hiện nay chúng ta đang chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể không tránh khỏi những khiếm khuyết hay sự lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng đất được.

Một trong những lý do tại sao Nhà nước phải sửa đổi rất nhanh các chính sách về nhà, đất đó chính là nhằm cập nhật nhu cầu của thực tiễn.

Được biết, trong báo cáo sắp xếp, xử lý đất công Chính phủ vừa trình Quốc hội thì số tiền thu được từ bán nhà, đất công tại Tp.HCM cao hơn rất nhiều lần so với Hà Nội, mặc dù diện tích bán của hai địa phương này là tương đương nhau. Liệu có phải Hà Nội xảy ra nhiều tiêu cực hơn không?

Đến nay tôi vẫn chưa nhận được báo cáo này. Tuy nhiên, thống kê của chúng tôi thì đó chỉ là những con số dự kiến sẽ thu và một số là đã thu. Chẳng hạn, ở Tp.HCM hiện có những mảnh đất có diện tích rất lớn, trị giá hàng ngàn tỉ đồng và đang chuẩn bị bán.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, trong thị trường bất động sản thì diện tích đất không phải là yếu tố quyết định mà vị trí, khu vực mới quyết định giá trị mảnh đất. Chẳng hạn, một mét vuông ở trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) thì chắc chắn có giá trị hơn nhiều lần so với một mét vuông ở Sóc Sơn.

Do đó, nếu căn cứ vào diện tích để suy diễn ra giá trị thì nhiều khi không thể chính xác được.

Ngoài ra, ở Tp.HCM thì có thể bán được vài ngàn mét vuông ngay tại quận 1, quận 3... nhưng ở Hà Nội thì khu trung tâm không thể lấy đâu ra vài ngàn mét vuông để bán. Sắp tới, chúng tôi sẽ bán đấu giá khu đất số 1 Lý Thái Tổ (Tp.HCM) rộng 4ha, trị giá khoảng vài ngàn tỉ đồng.

Nhưng có ý kiến cho rằng, việc thu tiền thấp tại Hà Nội có liên quan đến những tiêu cực trong đấu giá đất?

Việc tiêu cực thì chúng ta nhận thấy không chỉ xảy ra trong đấu giá đất. Theo tôi, dù chưa có thống kê cụ thể, song việc tiêu cực trong đấu giá đất là không thể tránh được vì thực chất hoạt động này cũng mới được hình thành trong mấy năm trở lại đây.

Vừa qua, tôi cũng có nhận được một số thông tin phản ánh tiêu cực một vài nơi có hiện tượng tiêu cực. Với nghị định 17/CP, nghị định 52/CP vừa qua về đấu giá tài sản nhà nước thì cơ bản mọi tiêu cực sẽ được hạn chế tối đa.

Tôi cũng nghe nói chung chung khái niệm “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá đất, nhưng bằng chứng cụ thể thì chúng tôi vẫn không có. Nếu báo chí phát hiện được thì đề nghị cung cấp ngay cho chúng tôi.
Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland