Khác với đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng TP.HCM được phê duyệt năm 2008, lần này đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch là Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam đã mời tư vấn quốc tế hợp tác. Hiện nay, công tác này đang ở giai đoạn nghiên cứu nhưng đồ án đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế, nhằm điều chỉnh QHXD vùng TP.HCM đạt được hiệu quả và chất lượng cao.
Còn nhiều bất cập
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của công tác thực hiện quy hoạch Vùng TP.HCM, ông Ngô Quang Hùng - Phó viện trưởng Viện QHXD Miền Nam cho biết: Cấu trúc không gian vùng chưa hình thành theo đúng định hướng quy hoạch được phê duyệt, các tỉnh thành phát triển thiếu liên kết, đô thị hóa nhanh nhưng thiếu kiểm soát, môi trường ô nhiễm… Và hơn hết, thiếu một cơ quan chỉ đạo thống nhất về thực hiện các chiến lược phát triển vùng.
GS Frank Schank Schwartze - Trưởng nhóm Tư vấn quốc tế cho vùng TP.HCM đã cho biết, vùng TP.HCM cần phải điều chỉnh QHXD, bởi từ năm 2008 tới nay tình trạng gia tăng dân số cơ học do di cư, đặc biệt hiện trạng của Vùng TP.HCM có nhiều hạn chế như đô thị phát triển tự phát dẫn tới quá tải trong hệ thống giao thông, hạ tầng chung không đủ, ngập lụt ngày càng nặng nề và sự thiếu hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, hợp tác liên vùng.
Nhìn nhận của TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình Kinh tế Fulbright ngược với nhiều ý kiến khác: Đô thị TP.HCM, TP Hà Nội kém xa với các đô thị trong cùng khu vực bởi sự hợp tác, phát triển giữa các địa phương trong vùng có những nhân tố giống nhau và có thể bổ trợ lẫn nhau. Vì thế cần tìm ra cơ chế liên kết vùng hữu hiệu là điều hết sức cần thiết và cấp bách và quy hoạch phát triển vùng trong đó các hoạt động kinh tế đóng vai trò quan trọng là then chốt. Nhìn nhận được những bất cập hiện tại của vùng TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, tất cả đều mong muốn vùng TP.HCM phải có một mô hình phát triển bền vững, khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Nhóm tư vấn quốc tế cho vùng TP.HCM nhận định: Ý tưởng QHXD Vùng TP.HCM được phê duyệt năm 2008 được gọi tên là “Sao biển” với mục tiêu tạo lập hệ thống bao trùm nhằm đóng vai trò định hướng cho quy hoạch, thực hiện quản lý kinh tế, lãnh thổ các khu vực đô thị, các KCN, các khu dân cư nông thôn và các khu đặc thù trong vùng nhằm phát triển hài hòa bền vững. Đóng vai trò là công cụ quản lý phát triển vùng trong trình tự khai phá các tiềm năng, giải quyết các hạn chế hiện hữu trong phát triển vùng.
Sau quá trình nghiên cứu, các nhà tư vấn quốc tế đã đặt tên cho ý tưởng điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM là “ý tưởng về bộ lọc”. Theo TS Stefan Elsing - chuyên gia về phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng thì: “Ý tưởng về bộ lọc” hay còn gọi là “góc nhìn” gồm bốn vấn đề: Sử dụng tài nguyên hiệu quả; phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng và sinh thái. Từ “bộ lọc” này để xác định các vấn đề và thách thức, mỗi “bộ lọc” tập trung một cách tổng quát về sự tương tác của các ngành, xác định chủ đề thay vì tiếp cận theo ngành.
Lưu ý tới ý kiến của lãnh đạo các địa phương trong vùng (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh) Đánh giá cao các nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, tuy nhiên vẫn cần tiếp thu những ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia đã phân tích các vấn đề liên quan tới điều chỉnh QHXD vùng TP.HCM từ các góc độ khác nhau trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam chứ không phải của từng tỉnh, thành trong vùng TP.HCM. Khi đã khẳng định vùng TP.HCM là vùng kinh tế lớn của Đông Nam Á thì vai trò, thách thức của việc kết nối là sự bất cập trong việc phát triển kinh tế. Đề nghị các chuyên gia nghiên cứu định hướng kỹ tính liên kết vùng theo từng phương án phát triển tập trung hay phát triển đa cực. Thứ trưởng cũng thẳng thắn góp ý về nội dung đánh giá thực trạng của TP.HCM mà chưa có đánh giá sâu hơn đối với các tỉnh còn lại bởi sự thiếu hụt thông tin để các nhà lập quy hoạch đưa ra những định hướng xác đáng. Vì thế, chúng ta cần có sự đầu tư, tham khảo ý kiến của lãnh đạo các tỉnh trong vùng để làm rõ đặc thù của từng tỉnh từ đó đảm bảo tính khả thi của quy hoạch được điều chỉnh. |
Cần thể chế quản lý quy hoạch vùng (Ông Vũ Trọng Bình - Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương): Sức cạnh tranh của TP.HCM đang yếu hơn so với các đô thị khác trong khu vực, vậy làm thế nào để TP.HCM và vùng TP.HCM có 1 thể chế có sức cạnh tranh nhất trong khu vực, đây là vấn đề cần chú trọng trước khi có quy hoạch và phát triển. Quy hoạch là hiện thức hóa những chiến lược phát triển và mô hình tăng trưởng. Vì vậy TP.HCM sẽ chọn mô hình tăng trưởng nào? Trong vùng TP.HCM sẽ phân vai như thế nào? Liên kết như thế nào? Khi xác định được những vấn đề này thì mới có căn cứ làm tiền đề cho quy hoạch. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần có thể chế cho quy hoạch liên vùng. |
Còn nhiều nút thắt trong thực hiện quy hoạch vùng (Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó chủ tịch tỉnh Long An) Từ năm 2008 tới nay, tôi thấy cái khó lớn nhất để thực hiện quy hoạch vùng vẫn là cơ chế quản lý vùng và lãnh thổ, đây chính là nút thắt về quản lý khi thực hiện QHXD vùng như giao thông, đầu tư xây dựng KCN. Tôi đề nghị nếu đã xem vùng có ý nghĩa quan trọng để điều phối phát triển chung thì phải có cơ chế quản lý vùng. Nối kết hạ tầng rất quan trọng trong quy hoạch vùng bởi nếu sự sắp xếp hợp lý sẽ chống lãng phí. Hiện nay, KĐT, KCN phát triển vô tội vạ, không có sự tích hợp của cả khu vực, lĩnh vực sao cho phù hợp với thực tế, đặc biệt các vấn đề liên quan tới con người như việc làm, thu nhập… Mỗi tỉnh đều có lộ trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa theo nhiệm vụ trong vùng thì Long An chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, còn công nghiệp thì để phát triển phía Đông, Bắc của vùng. Trong khi đó, Chính phủ lại giao cho tỉnh phải tăng doanh thu ngân sách, chính vì thế các tỉnh phải làm theo nhu cầu riêng của mình. Đây là một nút thắt cần các nhà làm quy hoạch chú ý. |