Theo đồ án đề xuất, mô hình Vùng TP.HCM phát triển tập trung-đa cực, bảo đảm sự cân bằng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vùng TP.HCM được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế.
Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Trong đó:
TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng;
TP. Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc;
TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông.
Đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc.
Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam.
Tổng diện tích quy hoạch Tiểu vùng đô thị trung tâm khoảng 5.163,92 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỉ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85-90%.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM.
Được biết, Quy hoạch vùng TP.HCM trước đó được phê duyệt năm 2008. Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM.