Phạm vi vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Binh Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang,
Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị đạt khoảng 270.000 - 290.000 ha, bình quân 100 - 150 m2/người. Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000 - 170.000 ha, binh quân 180-210 m2/người.
Dự kiến diện tích đất xây dựng các khu công nghiệp đến năm 2030 khoảng 69.000 ha, trong đó: TP.HCM 7.080 ha, Đồng Nai 13.400 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 9.210 ha, Bình Dương: 14.790 ha, Tây Ninh 5.185 ha, Bình Phước 8.220 ha, Long An 13.500 ha, Tiền Giang 3.200 ha.
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh được phân ra thành các tiểu vùng và có định hướng phát triển như sau:
Tiểu vùng đô thị trung tâm: Bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận gồm các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai); trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm vùng; Thành phố Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, thành phố Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Các đô thị Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam. Diện tích khoảng 5.164 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85 - 90%.
Tiểu vùng đô thị trung tâm có vị trí trung tâm của toàn vùng, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hoá cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía Đông và Đông Bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường không gian xanh dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; duy trì và phát triển các hành lang xanh nhằm giảm nguy cơ ngập lụt; bảo tồn không gian sinh quyển Cần Giờ.
Tiểu vùng phía Đông: Gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai (thị xã Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu). Trong đó, Thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 51; thị xã Long Khánh là cực tăng trưởng trên hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 1A. Diện tích 6.266,5 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 2.838.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 55 - 60%.
Tiểu vùng phía Đông có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tập trung phát triên công nghiệp (khai thác dầu khí, cảng, công nghiệp phụ trợ và đa ngành), nông nghiêp (công nghệ cao, chuyên canh, khai thác và đánh băt nuôi trông thủy sản). Tăng cường các chức năng dịch vụ trung chuyên hàng hóa, kho vận, tiêp vận cấp quốc gia và quốc tế gắn với đầu mối hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay quốc tế; phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch cảnh quan sinh thái rừng. Bảo tồn cảnh quan rừng tự nhiên, vùng sinh thái ngập mặn và nguồn nước hồ Trị An.
Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc: Gồm tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương (huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên). Trong đó đô thị Chơn Thành - Đồng Xoài là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 13. Đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Hòa Thành - Tây Ninh là cực tăng trưởng trên trục hành lang phía Tây Bắc dọc Quốc lộ 22. Diện tích 13.087 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 3.565.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 40 - 45%.
Với vai trò là cửa ngõ giao thương phía Bắc - Tây Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh kết nối vùng sông Mê Kông mở rộng và vùng Đông Nam Á, tiểu vùng Bắc - Đông Bắc phát triển nổi trội về công nghiệp đa ngành, chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái. Duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phát triển cân bằng sinh thái cho toàn vùng.
Tiểu vùng phía Tây Nam: Gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức). Trong đó thành phố Mỹ Tho, thành phố Tân An là cực tăng trưởng trên trục hành lang dọc Quốc lộ 1 phía Tây Nam. Diện tích 6.075 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 2.897.000 người, năm 2050 khoảng 3.410.000 người. Tỷ Lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 35 - 40%.
Với vai trò là cửa ngõ của vùng Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng sông Mê Kông mở rộng, tiểu vùng phía Tây Nam phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng; nghiên cứu về công nghệ sinh học cấp quốc gia; nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước trên cơ sở khai thác cảnh quan rừng ngập nước Đồng Tháp Mười và vườn cây ăn trái dọc sông Tiền.