Ông Khoa cho rằng, quy hoạch Thanh Đa trở thành KĐT mới là một chủ trương hay, một bước đi đúng hướng nâng tầm phát triển của TP HCM. Với những điều kiện thuận lợi: Vị trí địa lý tuyệt đẹp, cận kề sông nước bao quanh, lại nằm ở nơi cửa ngõ phía bắc của thành phố, thuận lợi cả giao thông đường thủy lẫn đường bộ, Thanh Đa có đầy đủ điều kiện cả chủ quan lẫn khách quan trở thành một khu đô thị kiểu mẫu. Đó là những tiền đề về tự nhiên, kỹ thuật, kể cả kinh tế cho dự án ngay từ khi nó mới được phê duyệt.
Thuận lợi nữa là ngay từ chủ trương ban đầu với quyết tâm rất cao của lãnh đạo thành phố với những nét vẽ về một viễn cảnh đẹp cho KĐT và sự đồng thuận một lòng của dân cư nơi đây. Thời điểm đó, việc giải tỏa cũng không quá khó, khi giá đất còn thấp. Hơn nữa, đây lại là vùng đất trũng, hoang sơ, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì. Nhưng không hiểu tại sao, dự án bị “chìm xuồng” và bây giờ sau 20 năm mọi thứ vẫn im lìm.
Nếu mọi thứ suôn sẻ thì giờ đây bán đảo Thanh Đa đã có một tên gọi mới, một tầm cao mới không thua gì KĐT Phú Mỹ Hưng về cả quy mô diện tích lẫn giá trị kinh tế, văn hóa. Nếu chúng ta làm quyết liệt thì khoảng thời gian qua quá đủ để có một KĐT hoàn chỉnh. Và mỗi khi nhắc tới TP.HCM chúng ta tự hào về một viên ngọc Thanh Đa bên cạnh Phú Mỹ Hưng- tác phẩm do một Cty tư nhân không lớn lắm làm chủ đầu tư xây dựng.
- Theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến một dự án lớn như vậy “treo” suốt 20 năm, “treo” luôn cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân?
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi chỉ có 2 nguyên nhân chính: Một là, thiếu quyết đoán ngay từ những bước đi đầu tiên. Việc quy hoạch chi tiết, đo đạc thực nghiệm, đền bù giải phóng mặt bằng, đánh giá những tác động về mặt xã hội... được coi là bước đi đầu tiên nhưng chúng ta làm không đâu ra đâu. Còn phía những người có trách nhiệm thì đưa ra những lý do nghe có vẻ rất hợp lý: Nào là thiếu vốn, khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, tác động của thị trường vật giá, nhà đầu tư chưa đúng tầm, phản ứng của người dân... Nhưng thực tế, họ thiếu trách nhiệm trong câu chuyện nhiều tập này.
Hai là, sự hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý của các cơ quan quản
lý thuộc Thành phố. Đây được coi là nguyên nhân chủ quan to lớn nhất,
bao trùm nhất trong số những nguyên nhân dẫn dự án bị đình trệ khiến
hàng chục hộ dân “treo” ngược cuộc sống.
Nếu chúng ta lãnh đạo theo một kiểu khác, công tâm hơn, quan tâm đúng mực, thông thoáng, quyết liệt thì tôi tin ở thời điểm này Thanh Đa đã tỏa sáng như một viên ngọc giữa dòng sông xanh nơi cửa ngõ thành phố.
- Nói về bức tranh của dự án Thanh Đa hiện nay, ông có thể đánh giá thế nào?
Thực trạng đầu tiên là dù đã có chủ trương quy hoạch nhưng do bị “treo” nên những bước đi đầu tiên vẫn còn nham nhở. Đường xá, nhà cửa lộn xộn, người dân muốn sửa cũng khó vì vướng bao thủ tục phiền hà... Có những khu đất được đo đạc, cắm mốc rồi lại bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Cuộc sống của người dân bị kéo lùi thêm mấy chục năm. Dẫn tới bao nhiêu hệ lụy đè nén cho tới tận hôm nay, và chắc cả tương lai nữa.
Thực trạng hiện nay cũng chưa thấy le lói một chút ánh sáng nào, một sự chuyển biến nào. mọi thứ vẫn còn trì trệ.
- Trước thực trạng trên, theo ông có nên xóa dự án “treo” này để giải phóng cho người dân khỏi nỗi lo bấy lâu?
Chủ trương quy hoạch này vẫn đúng đắn. Chúng ta nên tiếp tục giữ chủ trương này để sớm biến bán đảo Thanh Đa thành hòn ngọc hiếm hoi của thành phố.
Vấn đề ở chỗ những người có trách nhiệm phải nhìn thấy khả năng biến chủ trương thành hiện thực thế nào? Trong khoảng thời gian bao lâu nữa? Để có những quyết định hướng đi cho từng giai đoạn hợp lý mà không gây hệ lụy làm ảnh hưởng tới đời sống và quyền lợi cho những chủ nhân trên mảnh đất đó. Và những lợi quyền tốt đẹp của dự án trước hết và đầu tiên phải dành cho chủ nhân sống trên mảnh đất của họ chứ không phải dành cho nhà đầu tư.
Chúng ta tôn trọng nhà đầu tư nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân, nhất là trong giai đoạn này. Giai đoạn chưa thu hồi và GPMB thì lợi quyền và xử lý vấn đề không khó. Trong lòng phải thực sự có cái tâm với người dân chứ không phải những lời nói suông.
- Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực của một số nhà đầu tư trúng thầu dự án cũng là “vấn đề” của dự án này?
Đầu tiên ở vào thời điểm năm 2004, TCty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu
tư nhưng thực sự đơn vị này không đủ năng lực nên đã kéo bên nọ, bên kia
nhưng thực chất là chia sẻ bán dự án. Ngay cả khi 4 Cty là: Cty CP
Hoàng Anh Gia Lai, Sacomreal, Sacombank, Cty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc
nhảy vào với tư cách là đối tác cùng với Xây dựng Sài Gòn. Nhưng cả 4
nhà đầu tư này đều tranh thủ giá trị gia tăng đất đai.
Chúng ta đã bỏ qua nhiều thời điểm vàng ở 20 năm qua. Điển hình như đầu những năm 2000, khi tình hình địa ốc khá tốt, kinh tế ổn định. Và khi đó chi phí cũng thấp, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị rất muốn nhảy vào. Nếu chúng ta chỉ đạo quyết liệt lúc đó, chuẩn bị tốt tất cả những điều kiện cho quy hoạch, có quy chế chào mời đầu tư quốc tế rõ ràng thì chắc chắn đã tìm được nhà đầu tư đủ năng lực.
Chính mọi việc cứ đẩy tới đẩy lui, một vấn đề nhỏ cũng chờ văn bản trả lời cũng mất tới 5- 7 tháng, làm cho mọi thứ trì trệ. Điển hình là việc người dân muốn sửa chữa nhà cũng phải xin bao nhiêu thứ giấy tờ. Hay như việc đặt tên cho khu đô thị là gì, có hai chữ “sinh thái” hay “không sinh thái” mà bao nhiêu năm cũng chưa đưa ra được quyết định khiến cho niềm tin của người dân vào dự án này ở mức thấp đến mức phải hổ thẹn.
- Vậy giờ đây, quy hoạch dự án này nên quan tâm tới những yếu tố nào ?
Nếu chúng ta làm công tâm hơn, quan tâm đúng mực, thông thoáng, quyết liệt thì tôi tin rằng sau 20 năm qua, bán đảo Thanh Đa đã tỏa sáng như một viên ngọc, lung linh ngay đầu vào cửa ngõ thành phố”. |
Việc đền bù, GPMB phải tính tới yếu tố lịch sử cho cư dân ở đó. Nghĩa là, nếu không có quy hoạch treo thì họ đã không phải vướng rắc rối về mặt giấy tờ, pháp lý suốt bao nhiêu năm nay. Chưa tính tới sự chung tay của nhà nước, bản thân họ cũng có thể xây dựng nhà cửa, đường xá, nhà máy... làm cho giá trị bất động sản đã tăng lên gấp mấy chục lần so với bây giờ, bộ mặt hạ tầng được nâng lên bội phần. Nếu không vướng dự án treo này, mọi thứ đã đổi khác rồi.
- Theo quan điểm của riêng ông, tương lai của dự án này sẽ ra sao ?
Dự kiến sẽ còn rất lâu nữa nếu cứ vẫn giữ nguyên cách làm như hiện nay. Vấn đề Thanh Đa cụ thể nhưng là một dự án khá điển hình. Điển hình ngay trong mối quan hệ, trong lời hứa giữa lãnh đạo với người dân. Đồng thời cũng là một sự điển hình trì trệ, thiếu quyết tâm tới cuộc sống, lợi quyền của người dân khiến niềm tin sụt giảm. Đây là vấn đề nguy hiểm nhất trong xã hội chúng ta.
- Xin cảm ơn ông!