06/11/2023 2:25 PM
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nguyên nhân của việc chậm trễ trong các quy hoạch và giải pháp cho vấn đề này trong phiên chất vấn sáng ngày 6/11.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nêu rõ, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay kết quả thực hiện được rất thấp. Ngoài hai quy hoạch lớn là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch đất thì quy hoạch vùng mới đạt được có 1/6, 16/31 quy hoạch ngành và 13/63 quy hoạch tỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án đầu tư công.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân của những chậm trễ và giải pháp cho cái vấn đề này? Hết năm 2024 có hoàn thành dứt điểm các quy hoạch không?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh.

Nguyên nhân là do lần đầu tiên ta thay đổi tư duy, phương pháp luận, nhận thức chung về tích hợp và các khái niệm mới cần có văn bản hướng dẫn, nghị định hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội, để có cơ sở triển khai.

Nghị quyết 61 của Quốc hội yêu cầu cơ bản phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, Nghị quyết ban hành ngày 16/6/2022 nên quỹ thời gian còn rất ít và kéo dài sang năm 2023. Với 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, đã hoàn thành việc thẩm định và trình thẩm định và đã phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng đánh giá, đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên còn hai vấn đề đó là đang tồn đọng lại các dự án đã thẩm định xong nhưng lại phải mất thời gian để hoàn thiện, phải tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hoàn thiện lại hồ sơ, trình Thủ tướng. Vì vậy mất rất nhiều thời gian để thống nhất; rà soát quy hoạch cấp trên, nghị quyết mới, định hướng quy hoạch vùng…

Thứ hai là quy hoạch về thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ do Bộ Công thương đang đề nghị xin không lập vì không có cơ sở dữ liệu về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, còn 4 quy hoạch của địa phương, trong đó có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP.HCM. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp. Do vậy, khó có thể hoàn thành cả hai quy hoạch này trong năm nay.

Với hai quy hoạch tỉnh còn lại của Đồng Nai và Bình Dương, theo Bộ trưởng, sẽ tập trung được đẩy nhanh, có thể kịp trong năm nay.

Về vấn đề này, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng với nhiều quy hoạch chưa được ban hành, hết năm 2024 có làm xong và dứt điểm được không vì quy hoạch phải đi trước một bước. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo và giải trình thêm về vấn đề này.

Mỗi dự án ODA mất ít nhất 2 năm để hoàn tất thủ tục

Ngoài vấn đề quy hoạch, trong phiên chất vấn sáng nay đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, Nghị quyết 41 của Quốc hội đã nêu, cần khẩn trương xây dựng luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong năm 2021, theo đó sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ công tác này đã được thực hiện như thế nào và đến mùng 4/5/2023 mới ban hành Nghị định 20 thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA không?

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành hai nghị định hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi thích ứng; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và gỡ vướng mắc thủ tục hành chính.

Về dự án ODA, ông Dũng cho rằng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án có quy trình, thủ tục phức tạp hơn ở cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, quy định của nhà tài trợ nước ngoài phức tạp; điều chỉnh hiệp định vay, khoản vay mất rất nhiều thời gian.

“Các dự án sau khi hoàn tất các thủ tục thực hiện, mà có sự điều chỉnh lại phải lặp lại vòng thủ tục cả trong nước và các hiệp định. Do đó mất rất nhiều thời gian” ông nói.

Bình quân, mỗi dự án phải mất ít nhất 2 năm để hoàn tất thủ tục, nếu phải điều chỉnh lại mất quy trình 1-2 năm nữa.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.