02/06/2014 1:11 PM
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, công tác quy hoạch sử dụng đất ở một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, thường xuyên thay đổi dẫn tới việc quy hoạch đất tràn lan, song việc sử dụng đất lại kém hiệu quả.

Quy hoạch sử dụng đất. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Đáng nói hơn, trong xây dựng cơ bản, việc triển khai xây dựng các dự án đầu tư phát triển nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp tại một số số địa phương vẫn còn kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Lãng phí từ “dự án treo”

Thực tế cho thấy, tại một số khu đô thị mới ở Hà Nội như Mễ Trì, Văn Quán, Yên Hòa, Linh Ðàm đã đi vào hoạt động từ rất lâu, nhưng tỷ lệ nhà biệt thự liền kề chưa được đưa vào sử dụng chiếm rất cao. Thậm chí, có những ngôi biệt thự đã xây thô, nhưng lại bỏ hoang gần năm năm nay không có người tới ở.

Trong khi đó, ở nhiều nơi người dân thiếu đất sản xuất, trẻ em thiếu trường lớp để học, thiếu nơi để vui chơi giải trí. Nắm bắt được sự lãng phí này, các ngành chức năng đã kiên quyết thu hồi một số dự án kéo dài, không có khả năng triển khai, nhưng tình trạng lãng phí từ những biệt thự bỏ hoang đến nay vẫn là “bài toán chưa có lời giải.”

Hơn nữa, một số dự án lớn đã được phê duyệt từ nhiều năm nhưng vẫn triển khai chậm, thậm chí bỏ hoang, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý.

Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, trước khi sát nhập, một số địa phương khi còn đang nằm trong kế hoạch sát nhập vào thành phố đã ra hàng loạt quyết định giao đất cho chủ đầu tư 772 dự án, với tổng diện tích gần 76.000 ha.

Sau hợp nhất, Bộ Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện, trong số trên chỉ có 58 dự án được tiếp tục triển khai, 153 dự án cần điều chỉnh chức năng xây dựng hoặc diện tích, 77 dự án tạm dừng để chờ quy hoạch điều chỉnh và 30 dự án phải dừng hẳn.

Điển hình như dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008, với diện tích 16,7 ha trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội ngày 29/9/2011, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản số 8295/UBND-XD chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Hay như dự án “Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư tại Phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội có quy mô 2 tòa tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay vẫn là bãi đất hoang.

Ngoài ra, tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, việc quy hoạch và phát triển các khu này ở một số địa phương cũng còn dàn trải, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Phần nữa, do khả năng thu hút đầu tư kém đã dẫn tới tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp, đất đai bị bỏ hoang, lãng phí nguồn tài nguyên đất.


"Siết" chủ đầu tư khi giao đất, cho thuê đất

Để “gỡ rối” những bất cập nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, việc lựa chọn chủ đầu tư để giao đất, cho thuê đất là giải pháp rất thiết thực, góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn việc quy hoạch sử dụng đất hiện nay.

Nhấn mạnh tới vai trò của chủ đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng chủ đầu tư phải có năng lực tài chính qua báo cáo tài chính và kiểm toán, để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Song song với đó, chủ đầu tư cũng phải kí quỹ theo qui định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các qui định của pháp luật đất đai…

Riêng đối với các trường hợp không, hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, Luật Đất đai 2013 đã quy định xử lý “mạnh tay” chủ đầu tư. Luật này cũng cho phép dự án chậm tiến độ hơn so với qui định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó.

“Nếu hết 24 tháng mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất. Đặc biệt, các dự án vi phạm sẽ được công khai trên website để tránh tình trạng chủ đầu tư vi phạm ở địa phương này lại sang địa phương khác xin giấy phép”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho biết, để hạn chế tình trạng trên, Luật Đất đai 2013 đã nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính.

Luật Đất đai 2013 cũng hướng tới việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lí, sử dụng đất. Cụ thể, Luật quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất.

Cùng với đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp nếu tự chủ 100% kinh phí phải chuyển sang hình thức thuê đất, không được giao đất miễn phí như trước đây. Đối với các dự án nhà ở để bán, cho thuê, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì đều áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất../

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.