Quy hoạch, kế hoạch đã tích cực nhưng vẫn còn bất cập
Việc thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 10 năm qua về cơ bản đã dạt được các chỉ tiêu Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 29/2004/QH11 và Nghị quyết số 57/2006/QH11. Trong đó, đất nông nghiệp vượt 0,02%, đất phi nông nghiệp đạt 92,14%, khai thác đất chưa sử dụng đạt 95,15%... Theo đánh giá chung, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả. Nhìn chung, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền đã được nâng lên. Tình trạng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở các địa phương đến nay đã giảm.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp chính quyền để quản lý và chỉ đạo khai thác đất hiệu quả. Đồng thời là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai nhằm góp phần ổn định chính trị-xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân..
Tuy nhiên, qua tổng kết cũng cho thấy, chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực; cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa được tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản dẫn tới tình trạng vừa thiếu, vừa thừa; thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác quy hoạch sử dụng đất thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, chưa phát huy cao nhất tiềm năng đất đai.
Đổi mới phải dựa trên thực tế sử dụng đất đai
Chính phủ đã xác định một loạt những đổi mới trong lập quy hoạch sử dụng đất, như: xác định rõ và cụ thể hoá các chỉ tiêu sử dụng đất cần bảo vệ (đất trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ); đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng hoá sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường; đảm bảo yêu cầu quản lý của từng cấp. Tăng tính chủ động cho địa phương trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, quốc tế…
Đây là những đổi mới tích cực, rõ ràng, giúp cho việc lập quy hoạch sử dụng đất hiệu quả hơn. Các đại biểu tham gia hội nghị đều thể hiện sự đồng tình với những đổi mới trong lập quy hoạch sử dụng đất. Thống nhất mọi việc đổi mới xây dựng quy hoạch phải xem xét trên thực tế đất đai, các đại biểu đã góp thêm nhiều ý kiến.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ góp ý: Trong thời gian vừa qua có tình trạng sử dụng không hiệu quả đất xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng nước sâu, sân golf, khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, có việc không ít nhà đầu tư lợi dụng dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng để xin nhiều đất hơn nhu cầu. Cùng với đó là một số địa phương giao đất vượt mức cho phép dẫn đến lãng phí đất đai. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể.
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhấn mạnh tầm quan trọng của đất với con người, từ đó chỉ ra: khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần cân nhắc, xem xét kỹ mọi mặt để sử dụng đất một cách hiệu quả nhất, hạn chế tối đa chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Quy hoạch các dự án cần xem xét nhu cầu thực tế cần bao nhiêu đất thì giao bấy nhiêu, không giao nhiều hơn, nếu giao rồi mà không sử dụng thì trả lại; tốt hơn cả là tìm được địa điểm khác, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra việc cạnh tranh giữa các khu công nghiệp hiện nay là việc lấp đầy diện tích chứ chưa thực sự tính đến hiệu quả đầu tư. Điều này dẫn đến lãng phí đất, cần nghiên cứu cụ thể để giải quyết. Mặt khác, hiện nay chúng ta mới tư duy đến việc sử dụng mặt bằng đất, chưa tư duy sử dụng không gian đất, như trên mặt đất, dưới mặt đất, trong khi nhiều nước trên thế giới đã làm và cho kết quả rất tốt. Đây la vấn đề mà người làm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần nghiên cứu, làm tốt, đồng thời cũng cho thấy quy hoạch đất cần có lộ trình.