Quy hoạch vùng kinh tế nam Thanh - bắc Nghệ đang được đánh giá là dự án thiếu tính khả thi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời kỳ 2011-2020 có tổng số 19.285 quy hoạch được lập với kinh phí là 7.947 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, nhiều quy hoạch xây dựng được lập thiếu tính khả thi mà nguyên nhân chính chủ yếu do sự chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, mà bắt đầu từ văn bản luật chuyên ngành: Luật Xây dựng.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều quy hoạch xây dựng hiện nay không dựa trên yếu tố phát triển kinh tế và không xác định được đối tượng quản lý, nên thiếu tính khả thi. Điển hình như: Quy hoạch xây dựng vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa; quy hoạch xây dựng vùng nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình; quy hoạch xây dựng vùng nam Nghệ An - bắc Hà Tĩnh; quy hoạch xây dựng vùng nam Thanh - bắc Nghệ hoặc một loạt các quy hoạch xây dựng vùng dọc các tuyến quốc lộ và đường cao tốc. Nhiều quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không đảm bảo tính liên kết với quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, quy hoạch phát triển ngành, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.
Trong khi đó, được ban hành từ năm 2003 trong bối cảnh chưa có Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng 2003 có phạm vi điều chỉnh gồm cả nội dung quy hoạch xây dựng. Nhưng khi Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 được ban hành thì phần lớn những nội dung liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng đã được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, thực tế đã xảy ra tình trạng nội dung quy hoạch xây dựng đang đồng thời bị điều chỉnh bởi hai luật: Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Điều này đã tạo ra sự trùng lắp, không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện và áp dụng.
Giải quyết thực trạng này, Quốc hội đã chủ trương sửa đổi Luật Xây dựng. Đây là một quyết định rất đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi vẫn bao gồm cả phần quy hoạch xây dựng là không hợp lý, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, trên thế giới hiện nay không nước nào có quy định nội dung quy hoạch xây dựng nằm trong Luật Xây dựng (ngoại trừ Việt Nam). Yêu cầu đặt ra trong vấn đề quy hoạch mà tất cả các nước trên thế giới quan tâm đó chính là sự gắn kết, thống nhất trong tất cả các quy hoạch để tạo động lực phát triển chung cho các ngành một cách có hệ thống. Và điều đó có nghĩa là, quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển các ngành phải có sự gắn kết với nhau và được thống nhất trên quan điểm tổng hợp, hợp nhất và đa ngành để giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.
Thứ hai, đối tượng của xây dựng là công trình, chứ không phải là đô thị và càng không phải là vùng. Do đó, Luật Xây dựng chỉ nên tập trung giải quyết các vấn đề về hoạt động xây dựng công trình (Các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và quản lý dự án xây dựng công trình).
Thứ ba, nhiệm vụ của quy hoạch xây dựng chính là xác định hệ thống đô thị và nông thôn và giải quyết vấn đề phát triển hệ thống thống đô thị và nông thôn. Hay nói cách khác, quy hoạch xây dựng thực chất là một loại quy hoạch ngành (cũng giống như ngành công nghiệp có quy hoạch phát triển hệ thống các khu công nghiệp; ngành nông nghiệp có quy hoạch phát triển hệ thống nông nghiệp, ngành du lịch có quy hoạch phát triển hệ thống du lịch...) mà bản chất của nó chính là định hướng tổng thể phát triển hệ thống đô thị, nông thôn làm cơ sở lập các quy hoạch đô thị và nông thôn các cấp.
Thứ tư, việc xác định các vùng trong quy hoạch xây dựng là thiếu thống nhất, không đủ cơ sở và thiếu căn cứ, không tạo sự thống nhất chung cho các ngành trong quản lý, đặc biệt là vùng liên tỉnh hay "vùng" theo tuyến đường. Để định hướng phát triển hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, nhất thiết phải dựa vào định hướng phát triển của kinh tế - xã hội, mà việc xác định các vùng ở đây lại không dựa theo các vùng kinh tế - xã hội.
Thứ năm, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã điều chỉnh hầu hết nội dung liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng. Do vậy, Luật Xây dựng sửa đổi nên bỏ nội dung điều chỉnh về công tác quy hoạch xây dựng để tránh sự chồng chéo trong triển khai; đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Từ phân tích trên cho thấy, đề nghị bỏ nội dung Quy hoạch xây dựng trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đảm bảo sự đồng bộ, tính thống nhất trong các văn bản luật.
Đồng thời, cần thiết xem xét, bổ sung một số nội dung quy hoạch xây dựng, như: Quy hoạch điểm dân cư nông thôn vào Luật Quy hoạch đô thị; xem xét sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị thành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, để tạo sự thống nhất trong hệ thống đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước. Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh cho tất cả các loại quy hoạch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 13/2012: “...Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch...”.