Từ năm 2009, số dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào bất động sản suy giảm, do tác động của khủng hoảng
tài chính kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nguồn vốn đầu
tư thực tế của các dự án chỉ bằng 40% vốn đầu tư đăng ký. Nghĩa là, có
hiện tượng các nhà đầu tư chỉ đăng ký dự án theo kiểu "giữ chỗ". Về lý
thuyết, các dự án FDI về bất động sản nghĩa là các doanh nghiệp nước
ngoài vào Việt Nam để đầu tư bất động sản, sau đó lại bán cho chính
người Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, các dự án này đã huy động một
lượng khá lớn nguồn vốn từ trong nước. Cụ thể, nguồn vốn vay từ các ngân
hàng trong nước là 13%, thêm 12% vốn được huy động từ khách hàng.
Mặt khác, phần lớn các dự án đều có tiến độ chậm hơn so với tiến độ được quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Có dự án do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng có một số chủ đầu tư sau khi nhận mặt bằng sạch vẫn chậm triển khai xây dựng như dự án của Công ty TNHH Booyoung Vina tại Khu đô thị Mỗ Lao. Ða số các dự án trong quá trình triển khai xây dựng đều đề nghị điều chỉnh quy hoạch cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ...
Thấy rõ những điều này, nhưng trong công tác quản
lý, thành phố Hà Nội cũng gặp khó khăn. Bởi lĩnh vực đầu tư bất động sản
đang chịu sự chi phối trực tiếp của... chín luật (Luật Ðầu tư nước
ngoài, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật
Ðấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà
ở) và nhiều quy định ở các luật chuyên ngành khác.
Nhiều luật, tưởng là chặt chẽ, nhưng thực tế lại có những quy định chồng chéo, thậm chí không thống nhất, tạo kẽ hở cho nhà đầu tư lách luật, còn cơ quan quản lý thì... lắc đầu. Thí dụ, cơ quan được giao tổng hợp, theo dõi, quản lý các dự án trong giai đoạn đầu tư hiện nay là Sở Xây dựng, nhưng cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án là các sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường... Trong quá trình cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng hay thủ tục đất đai, chưa có sự trao đổi, phối hợp đầy đủ chính xác về thông tin hay báo cáo với cơ quan quản lý đầu tư. Và khi cơ quan liên ngành xuống kiểm tra dự án mới phát hiện những sai lệch về mục tiêu, quy mô so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, song vẫn được các cơ quan chức năng phê duyệt hoặc cấp phép.
Hoặc theo Luật Kinh doanh
bất động sản thì: "Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải
thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký
kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật". Trong khi đó,
Luật Ðầu tư quy định: "Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam
phải có dự án đầu tư"... "Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh gắn với việc thành lập doanh nghiệp".
Hoặc
Nghị định 84/2007/NÐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định: "Trường
hợp đất đã góp vào liên doanh là đất được sử dụng ổn định lâu dài thì
thời hạn thuê đất là 70 năm". Nhưng điều 52 Luật Ðầu tư quy định: "Thời
hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu
hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ
quyết định dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm".
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đề nghị những giải pháp giúp quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực đầu tư bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài. Việc tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư cũng là một giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản. Vì thế, thật không nên chậm trễ.