Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và cộng sự khẳng định: Việc Cty TSQ Việt Nam niêm yết giá bán căn hộ bằng VND nhưng lại tính trên cơ sở tỷ giá bán ra đồng đôla Mỹ (USD) là vi phạm luật, người dân có thể khởi kiện.

Trước tố cáo của hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại hai tòa nhà T1 và T2 chung cư CT01 – Việt Kiều châu Âu Euroland ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), chủ đầu tư đã bác bỏ tất cả khiếu nại, đồng thời còn “thách thức” khách hàng đưa sự việc ra Tòa án… Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và cộng sự khẳng định: Việc Cty TSQ Việt Nam niêm yết giá bán căn hộ bằng VND nhưng lại tính trên cơ sở tỷ giá bán ra đồng đôla Mỹ (USD) là vi phạm luật, người dân có thể khởi kiện.

Mất hàng trăm triệu đồng vì mua nhà theo USD


Chị Kim Thoa, đại diện các khách hàng mua căn hộ tại dự án Làng Việt kiều châu Âu (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) do Cty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư đã phản ánh với báo chí về việc TSQ dùng đôla Mỹ (USD) làm đơn vị cho giá trị hợp đồng, áp dụng lãi suất phạt chậm thanh toán tới 24%, huy động vốn vượt mức quy định...


Vào thời điểm ký hợp đồng góp vốn (ngày 31/12/2008), do nguồn cung trên thị trường bất động sản đang khan hiếm nên quyền chủ động và các điều khoản áp đặt trong hợp đồng đều được bên bán soạn thảo, bên mua không được tham gia ý kiến, trong đó có điều khoản tính giá trị căn hộ bằng USD.


Tuy nhiên, sau đó, chị Thoa cho hay, không những áp dụng việc quy đổi tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, mà chủ đầu tư TSQ còn bổ sung điều khoản phát sinh hợp đồng, tức là buộc bên mua phải chấp nhận điều khoản trong trường hợp biên độ tỷ giá USD/VND tăng hoặc giảm quá 2% so với thời điểm ký hợp đồng.


“Do vậy, tùy theo diện tích và giá trị từng căn, ít nhất khách hàng cũng phải nộp thêm từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi căn hộ cho chủ đầu tư. Đây là sự bất hợp lý, cố tình bắt chẹt khách hàng”, chị Thoa bức xúc bày tỏ trên báo Lao động.



Hàng trăm khách hàng "tố" dự án Làng Việt kiều Châu Âu. (Ảnh: LĐ)

Thêm vào đó, không ít khách hàng mua căn hộ tại đây đã “tố” chủ đầu tư cố tình lùi thời hạn đóng tiền để trục lợi. Chị Phạm Bích Ngọc, mua căn hộ ở tầng 9 cho biết: Theo tiến độ đã ký trong hợp đồng, thanh toán đợt 3 sẽ được thực hiện vào quý 2/2010 nhưng đến tận quý 3/2010 (ngày 12/7/2010) mới nhận được thông báo đóng tiền của chủ đầu tư. Đáng kể, đợt đóng tiền đợt 4 chủ đầu tư còn thông báo chậm đến hơn 5 tháng theo quy định hợp đồng. Lẽ ra, đến quý 4/2010 khách hàng sẽ đóng tiền đợt 4, song đến tận ngày 15/5/2011 chủ đầu tư mới gửi thông báo nộp tiền đến khách hàng.

Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân tại đây, TSQ cũng có dấu hiệu chiếm dụng vốn khách hàng.
Theo bà Thoa, tính đến cuối quý 2/2011, bên mua đã thanh toán đủ 90% tổng giá trị hợp đồng bán căn hộ. Trong khi đó, tháng 3/2010, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các doanh nghiệp xây dựng hướng dẫn việc huy động vốn và bán nhà tại các khu đô thị mới. Bộ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện huy động vốn phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng, nhưng tổng số tiền trước khi bàn giao căn hộ không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng. Vậy mà đến nay, khách hàng vẫn chưa được bàn giao căn hộ mà đã phải đóng đến 90% giá trị hợp đồng.

TSQ bác bỏ khiếu nại của khách hàng

VNE đưa tin trả lời công văn của khách hàng, lãnh đạo TSQ phản bác: mỗi m2 sàn và giá trị căn hộ được xác định tính bằng tiền VNĐ. Tỷ giá được đưa vào trong điều kiện phát sinh, chỉ xảy ra nếu có sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước. Chủ đầu tư coi đây là yếu tố ngẫu nhiên và khách quan, công ty không kiểm soát được tỷ giá lên xuống.

Phản hồi lại ý kiến trả lời của TSQ, ông N.H.H - một khách hàng tỏ ra bức xúc khi chủ đầu tư này đã gắn việc điều chỉnh tỉ giá vào điều kiện bất khả kháng với lý do tỉ giá là do cơ quan có thẩm quyền thay đổi, và mặc nhiên thực hiện việc tính phát sinh dựa trên sự thay đổi tỉ giá ngoại tệ. “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là một hình thức “lách luật”, bởi mọi hành vi lấy ngoại tệ với cơ sở tỉ giá hối đoái là cơ sở tính giá trị hợp đồng, giá bán căn hộ là vi phạm pháp luật hiện hành về Pháp lệnh Ngoại hối” - ông H nói.



Khách hàng mua căn hộ tại đây đã “tố” chủ đầu tư cố tình lùi thời hạn đóng tiền để trục lợi.

Về việc áp lãi suất phạt cao đến 24%, chủ đầu tư giải thích, công ty đã phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 22-24% mỗi năm để đảm bảo dự án đúng tiến độ, cũng như chất lượng của dự án. Công ty cho rằng, việc áp lãi suất trả chậm 24% là thấp so với thực tế vì công ty phải chịu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% từ số tiền phạt lãi do chậm nộp tiền, như vậy, thức tế công ty chỉ thu được 18%.

Mặt khác, TSQ cho hay, đây là điều kiện hợp đồng do vi phạm mà ra, không có tổ chức tín dụng hoặc cơ quan nào quy định điều này. Điều khoản thưởng phạt là do hai bên thỏa thuận, bản thân công ty không muốn khách hàng vi phạm.


Công văn trả lời TSQ nêu rõ: “Lãi suất 24% mà Cty đặt ra là tạo điều kiện để cho quý khách hàng do gặp khó khăn về tài chính. Do đó, những vướng mắc mà khách hàng phản ánh, chúng tôi không đưa ra để bàn bạc, chỉ có khách hàng nào vi phạm thì Cty sẽ trực tiếp giải quyết”.


Trước lời tố chủ đầu tư chiếm dụng vốn, thu 70% giá trị căn nhà khi chưa xong phần thô, TSQ khẳng định, doanh nghiệp này đã làm theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Do vậy, nội dung khách hàng tố cáo là “chiếm dụng vốn”, theo TSQ là không có cơ sở bởi việc việc thu tiền của khách hàng không nằm ngoài mục đích đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án.


“Thách thức” khách hàng đưa sự việc ra tòa

TSQ cho rằng việc khách hàng “tố” họ “chiếm dụng vốn” là không có căn cứ và đang vi phạm các quy định của pháp luật về việc vu khống, làm mất uy tín của Cty TSQ.


Trong văn bản trả lời khách hàng, phía TSQ luôn khẳng định, Cty này "chưa vi phạm bất cứ điều khoản nào của hợp đồng đã ký kết, các điều khoản của hợp đồng không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam".


Đồng thời, TSQ còn khẳng định thêm với khách hàng là: “…Sẽ không có thêm bất cứ một thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề tỷ giá, điều khoản thanh toán hay điều khoản tài chính liên quan khác”.

Kết thúc văn bản trả lời, chủ đầu tư kết luận: “Quý khách hàng, bằng quyền hạn của mình có thể đưa sự việc ra các cơ quan chức năng và trên hết là ra Tòa án như trong hợp đồng đã ghi để giải quyết”. Phải chăng, đây là một sự “thách thức” của chủ đầu tư với các khách hàng của mình? Làm vậy, vô tình TSQ Việt Nam đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình cũng như đánh mất uy tín đối với các khách hàng và liệu còn ai muốn mua dự án của TSQ?!”



Chưa dọn về ở nhưng cách hành xử của chủ đầu tư TSQ khiến nhiều người dân bất bình.

Trong khi đó, trả lời báo Lao động, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư BQH và cộng sự khẳng định: TSQ đã vi phạm luật. Luật sư Hưng cho biết: Việc Cty TSQ Việt Nam niêm yết giá bán căn hộ bằng VND nhưng lại tính trên cơ sở tỷ giá bán ra đồng đôla Mỹ (USD) là vi phạm luật, người dân có thể khởi kiện.

Luật sư Hưng cho biết, công văn 9861/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nói rõ, theo quy định tại điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối thì “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”.

Căn cứ theo quy định trên, tất cả các giao dịch, thanh toán, niêm yết, thông báo giá… không được thực hiện bằng ngoại hối dưới mọi hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Vì thế, theo luật sư Hưng, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS ghi đơn giá bằng đồng Việt Nam nhưng quy đổi tương đương ra đôla Mỹ hoặc được đảm bảo bằng ngoại tệ (dưới hình thức kèm tỷ giá tham khảo và quy định đơn giá sẽ thay đổi trong trường hợp tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại biến động tại thời điểm thanh toán) là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và cần được xử lý theo quy định của pháp luật.


Dân cư bất bình với cách xử sự của TSQ


Theo bà V.H.T, đại diện cho khách hàng chung cư Euroland, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại chung cư Euroland hết sức thất vọng và bức xúc với đơn thư phúc đáp mới đây nhất của chủ đầu tư TSQ gửi khách hàng về việc bán nhà bằng USD và áp lãi suất phạt đến 24%/năm với các khoản trả chậm. Thay vì đưa ra các phương án giải quyết êm thấm, mềm dẻo cân đối lợi ích hai bên, Cty này thậm chí còn “thách đố” khách hàng đưa các nội dung trên ra các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.


“Khi ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án này, chúng tôi thực sự tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư về hứa hẹn hình ảnh một làng Châu Âu giữa lòng Hà Nội và đây lại là dự án đầu tay của doanh nghiệp này. Nhưng cho đến nay, sau hơn 2 năm theo đuổi dự án, nhà đâu chưa thấy, tiếng là làng Việt kiều nhưng hạ tầng thiếu thốn, có bàn giao nhà cũng khó có thể về ở ngay vì chẳng khác gì hoang đảo. Chúng tôi hết sức thất vọng về sự lựa chọn của mình, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, bảo vệ quyền lợi người dân” - bà T. nói.


Cho đến thời điểm này, các khách hàng vẫn tiếp tục khẳng định sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng, thậm chí thuê luật sư và phương án khởi kiện chủ đầu tư ra tòa cũng được tính đến. Theo phản ánh của khách hàng, với hiện trạng của dự án, chủ đầu tư có dấu hiệu huy động vốn vượt mức quy định, và chủng loại và chất lượng nguyên vật liệu, vật tư thi công công trình có vấn đề.

Theo Khuê Hạ (GDVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.