24/11/2023 7:57 PM
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 KCN. Trong đó có 06 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung và 04 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất. Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu phát triển cho 10 KCN này là 6.648 ha.

Hé lộ phương án phát triển các khu chức năng, cụm công nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch quan trọng, định hướng cho toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Quảng Ngãi sẽ phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi, quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời triển khai hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 KCN. Trong đó có 06 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung và 04 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất. Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu phát triển cho 10 KCN này là 6.648 ha,…

Quy hoạch cũng định hướng việc thực hiện di dời 03 CCN, gồm 02 cụm ở thành phố Quảng Ngãi (CCN Tịnh Ấn Tây, CCN phường Trương Quang Trọng) và 01 cụm ở huyện Ba Tơ (CCN thị trấn Ba Tơ). Cùng với đó, tiếp tục duy trì, mở rộng 17 CCN hiện có; đề xuất thành lập mới 19 CCN.

Theo quy hoạch, các khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Mỹ Khê và Khu du lịch đảo Lý Sơn.

Tỉnh sẽ phát triển, hình thành các khu du lịch cấp tỉnh tại các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Hà và thị xã Đức Phổ, gồm: Khu du lịch biển Sa Huỳnh; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Núi Ngang; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích; Khu du lịch Bình Châu; Khu du lịch sinh thái Núi Cà Đam; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nước Trong; Khu du lịch sinh thái Kà Tinh; Khu du lịch sinh thái thảo nguyên Bùi Hui; Quần thể đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thạch Bích - Núi Chúa;...

Quảng Ngãi cũng định hướng phát triển khu vực dọc tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (từ huyện Tư Nghĩa đến thị xã Đức Phổ) trở thành khu du lịch - dịch vụ - đô thị và nông lâm nghiệp ven biển. Trong đó phát triển du lịch là chức năng chủ đạo, làm động lực thúc đẩy và phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến ven biển, góp phần tạo động lực phát triển cho khu vực ven biển phía Nam của tỉnh.

Tỉnh cũng sẽ thu hút đầu tư, xây dựng một số sân golf kết hợp với các khu nghỉ dưỡng, du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, khu đô thị dịch vụ tại các địa điểm thích hợp, có tiềm năng, khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.

Quy hoạch định hướng phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 06 vùng không gian kinh tế động lực (ảnh minh họa)

Quảng Ngãi được định hướng phát triển ra sao?

Quy hoạch cũng định hướng phát triển tỉnh Quảng Ngãi theo 06 vùng không gian kinh tế động lực, với định hướng phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội theo đặc trưng cho từng vùng để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Cụ thể, vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ, bao gồm thành phố Quảng Ngãi và một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Vùng động lực công nghiệp của tỉnh, bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh.

Vùng kinh tế sinh thái biển, bao gồm thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức.

Vùng kinh tế rừng xanh, bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.

Vùng kinh tế nông nghiệp, bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.

Vùng kinh tế biển đảo, bao gồm Đảo Lý Sơn “Ngọc lớn - Ngọc bé” của Biển Đông.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển kinh tế xã hội theo 4 hành lang chiến lược gồm, hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh); Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang); Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y) từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong - Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi; Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng).

Về quy hoạch hệ thống đô thị, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi phát triển 18 đô thị, bao gồm: 01 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là thành phố Quảng Ngãi; 02 đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại III là thị xã Bình Sơn và thị xã Đức Phổ; 01 đô thị loại IV là huyện Lý Sơn; 14 đô thị loại V, trong đó, có 06 đô thị dự kiến đạt một số tiêu chí đô thị loại IV là: đô thị Di Lăng (mở rộng), Trà Xuân (mở rộng), Ba Tơ (mở rộng), La Hà - Sông Vệ (mở rộng), Chợ Chùa, Mộ Đức.

Trong đó, thành phố Quảng Ngãi là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi; là đô thị ven sông, hướng biển - một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc dải đô thị ven biển miền Trung Việt Nam.

Thị xã Bình Sơn là đô thị công nghiệp - thương mại dịch vụ - du lịch, đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ.

Thị xã Đức Phổ là đô thị sinh thái, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng phía Nam tỉnh Quảng Ngãi; là đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.

Loạt dự án ưu tiên đầu tư

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, quy hoạch xác định một số dự án dự kiến ưu tiên thực hiện theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đầu tư từ ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư.

Theo đó, đối với dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, có 12 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; 3 dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 3 dự án đầu tư phát triển hệ thống đô thị; Đầu tư các dự án phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ; phát triển du lịch;…

Đối với dự án thu hút đầu tư, có 5 dự án giao thông vận tải; 6 dự án công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 21 dự án du lịch, thương mại, dịch vụ, văn hoá, thể thao; 17 dự án hạ tầng đô thị, khu dân cư; 6 dự án Tài nguyên và Môi trường; 5 dự án nông, lâm nghiệp và thủy sản; 4 dự án y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin và truyền thông, an sinh xã hội; các dự án thu hút khác theo yêu cầu phát triển của tỉnh.

Hé lộ phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực

Theo quy hoạch được duyệt, Quảng Ngãi sẽ phát triển hai trung tâm động lực tăng trưởng gồm: Hình thành Trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo.

Tỉnh cũng phát triển ba trung tâm đô thị gắn với công nghiệp và kinh tế biển tạo động lực phát triển trong thời kỳ quy hoạch gồm: Đô thị trung tâm, với thành phố Quảng Ngãi là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía Nam, với thị xã Đức phổ là hạt nhân.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.