Tuần trước, một chị ở cơ quan tôi nhờ tôi khai giúp
tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vì “tuy có bản hướng dẫn nhưng
chị thấy rắc rối quá, không làm được”. Tôi đã mất đến 20 phút nghiền
ngẫm mới định hình được những thông tin cần điền vào các mục ở tờ khai.
Khai đi khai lại rất nhiều lần
Nhà của chị bạn tôi đã có giấy chủ quyền nên rất dễ xác định chính xác các thông tin như diện tích đất, diện tích nhà, mục đích sử dụng đất... Kể từ khi chị mua nhà và về ở đến nay thì chị đã kê khai, đăng ký về nhà, đất của mình nhiều lần. Chính chi cục thuế địa phương, nơi trước đây đã nhận hồ sơ nhà, đất của chị để tính tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ cũng có đủ các thông tin trên. Tại sao họ không chủ động sử dụng những thông tin đã lưu để tính ra số tiền thuế đất ở cho chính những thửa đất tại địa phương?
Có một thực tế là những thông tin về nhà, đất của
người dân đang nằm rải rác ở nhiều cơ quan khác nhau. Mỗi khi đi làm
giấy tờ nhà, đất, đổi từ giấy đỏ sang giấy hồng, xin phép xây dựng, đóng
lệ phí trước bạ..., người dân đều phải kê khai tất tật thông tin về số
tờ, số thửa, diện tích... cho các cơ quan mà mình liên hệ như UBND cấp
phường, cấp quận, chi cục thuế cấp quận. Đó là chưa kể những lần kê khai
đại trà để Nhà nước lấy thông tin như đợt kê khai năm 1999, kê khai dân
số và nhà ở năm 2009, hiện nay là kê khai để đóng thuế sử dụng đất phi
nông nghiệp, sắp tới có thể sẽ là kê khai để đóng thuế nhà ở...
Sau nhiều lần bắt dân kê khai nhà, đất, chính quyền
đã làm gì với những thông tin tiếp nhận được, có lưu lại hay không, lưu
thế nào? Tôi hỏi vậy bởi vì nếu các cơ quan lưu trữ đàng hoàng và có
trách nhiệm thì chỉ cần một cái click chuột mọi thông tin sẽ bày ra
trước mắt chỉ trong vòng vài phút.
Nếu các cơ quan lưu trữ một cách có hệ thống thì người dân khỏi phải kê khai nhiều lần. Trong ảnh: Kê khai dân số và nhà ở năm 2009 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Lắm chuyện không hay
Gặp một người làm công tác cấp giấy chủ quyền nhà,
đất ở một quận của TP.HCM, tôi hỏi: “Nếu bây giờ tôi lấy bất kỳ một căn
nhà nào ở quận mà chị đang quản lý để hỏi về diện tích đất, diện tích
nhà, mua, bán năm nào, ai đang sở hữu... chị có trả lời được không?”.
Chị trả lời làm tôi... té ngửa: “Được! Nhưng phải mất một ngày để chuyên
viên vô kho, đọc tài liệu trên giấy, ghi ra cụ thể rồi mới trả lời”.
Chị giãi bày: Mỗi lần dân kê khai nhà, đất, cơ quan chức năng đều lưu
trữ thông tin trên máy vi tính. Ngặt nỗi cách lưu trữ mỗi thời mỗi khác:
nào là giai đoạn cấp giấy chủ quyền theo Nghị định 60/1994; cấp giấy
theo Luật Đất đai năm 2003, cấp giấy theo Nghị định 90/2006, cấp giấy
theo Nghị định 88/2009. Vì vậy, những thông tin này không thể kết nối
được với nhau và tra cứu trên hồ sơ giấy là cách làm duy nhất đảm bảo
được sự an toàn, chính xác.
Qua chị tôi còn được biết thêm, phần mềm kỹ thuật
nghiệp vụ mà các quận, huyện đang sử dụng cũng không giống nhau. Do vậy,
việc kết nối thông tin nhà, đất của các thời kỳ trong cùng một địa
phương đã khó, việc kết nối thông tin này giữa các quận, huyện trong
cùng TP càng khó hơn. Từ chỗ không có đủ thông tin để các cơ quan chức
năng đối chiếu, kiểm tra mà có lắm chuyện không hay phát sinh: Người có
hai căn nhà, thửa đất trong một quận thì bị đánh thuế cao, còn có nhà,
đất ở quận khác thì trốn thuế được; hoặc nhà, đất bị làm giả giấy tờ để
qua mặt cơ quan công chứng…
Không rõ số nhà, đất chưa có giấy chứng nhận Qua lời người cán
bộ, tôi được biết Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có yêu cầu các
quận, huyện báo cáo số lượng nhà, đất chưa được cấp giấy chủ quyền. Để
có thông tin báo cáo, một quận ven đã tổ chức phát phiếu để người dân kê
khai nhà mình bao nhiêu mét vuông, có chủ quyền hay chưa... (!).
Tại buổi triển khai
kế hoạch cấp giấy chủ quyền gần đây, giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền
sử dụng đất TP đã hướng dẫn các quận, huyện nên dựa vào thông tin mà
người dân kê khai nhà, đất đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lần này
để cập nhật thông tin cho hệ thống thông tin nhà, đất của ngành mình.
Sở dĩ có yêu cầu này vì hiện TP.HCM không biết chính xác có bao nhiêu
diện tích nhà, đất chưa được cấp giấy chứng nhận.
Như vậy, khi người dân kỳ vọng chính quyền sẽ dùng kho lưu trữ thông tin để giải quyết các công việc liên quan đến dân thì chính quyền lại làm ngược lại là dựa vào tờ khai thuế do dân khai để lấy thông tin cập nhật cho hệ thống lưu trữ của mình.
Không nên cứ đẩy khó cho dân Từ lâu TP.HCM đã có
ý tưởng thành lập hệ thống thông tin địa lý ghi nhận, cập nhật toàn bộ
thông tin nhà, đất trên địa bàn để qua đó xác lập được lý lịch từng thửa
đất, căn nhà. Theo đó, chỉ cần gõ địa chỉ là ra hết tất cả thông tin
liên quan: diện tích, số thửa, tình trạng pháp lý, các đời chủ, nội dung
biến động… Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà đến giờ việc triển
khai vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi được biết quận Gò Vấp từng làm việc này
nhưng không rõ hiện thời “kho” thông tin hoạt động ra sao, có hiệu quả
như mong muốn hay không.
Theo tôi, TP.HCM nhất thiết phải có hệ thống lưu trữ thông tin nhà, đất thật khoa học, hợp lý để phục vụ tốt công tác quản lý nhà, đất. Không nên kéo dài cách quản lý thủ công như hiện nay để rồi bắt dân khai đi khai lại nhiều lần, gây phiền toái, lãng phí.
Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứuĐô thị và Phát triển Hạ tầng |