Tại Hà Nội, chung cư nào cũng vậy, cứ sau vài tháng đưa vào sử dụng, lại xảy ra tranh cãi, thậm chí khiếu kiện liên quan đến việc thu các loại phí dịch vụ. Mới đây, cư dân sống ở tòa nhà Keangnam rất bức xúc vì mức phí các dịch vụ mà chủ đầu tư đưa ra. Phí trông giữ xe ô-tô là 20 nghìn đồng/hai giờ và 1.462.000 đồng/tháng. Phí trông giữ xe máy là 10 nghìn đồng/lượt, trông xe qua đêm là 60 nghìn đồng/xe, trông theo tháng là 104.000 đồng/tháng, cao gấp năm lần so quy định của TP Hà Nội. Phí quản lý được chủ đầu tư áp giá tới 0,99 USD, xấp xỉ 21 nghìn đồng/m2, mức cao nhất đối với các chung cư tại Hà Nội từ trước tới nay. Sau nhiều tranh cãi, khiếu kiện, Sở Tài chính Hà Nội đã phạt, truy thu 50 triệu đồng và yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt ngay việc thu phí trông giữ xe ô-tô, xe máy quá quy định của thành phố. Nhưng còn phí dịch vụ, thì vẫn chưa có phương án giải quyết. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra tại nhiều khu đô thị khác như: Ciputra, The Manor, Golden Westlake... Cứ sau một thời gian nhất định, chủ đầu tư lại mặc nhiên điều chỉnh, tăng giá dịch vụ khiến không ít hộ dân phải "méo mặt". Sở dĩ có tình trạng này là do căn cứ pháp lý duy nhất hiện nay có đề cập đến về việc thu và sử dụng phí dịch vụ chung cư là Quyết định số 08/2008 của Bộ Xây dựng, trong đó quy định phí dịch vụ do chủ đầu tư quy định. Dù đã có yêu cầu mức giá này phải được thương thảo và nhận được sự đồng thuận của người dân, nhưng trên thực tế, rất ít chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc.
Trong bối cảnh đó, cũng đã có
một số mô hình quản lý dịch vụ chung cư rất tốt, tuy nhiên mô hình này
thiếu căn cứ pháp lý để hoạt động. Tại tòa nhà 17T10 Trung Hòa - Nhân
Chính, khoảng ba năm nay, gần 200 hộ dân đã tự đứng ra quản lý khu nhà
mình ở với mô hình Hợp tác xã nhà ở Thụy Ðiển. Xã viên của hợp tác xã
chính là những hộ dân sống trong chung cư, đảm nhận các dịch vụ: bảo vệ,
trông giữ ô-tô, xe máy, dọn vệ sinh môi trường, quản lý bảo trì chung
cư... Các hộ dân ở đây chỉ phải nộp phí dịch vụ chung 30 nghìn
đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở, trong thời hạn 12 tháng, kể từ
khi chung cư đi vào sử dụng, chủ đầu tư phải tổ chức Hội nghị nhà chung
cư, bầu Ban quản trị. Ban quản trị sẽ đại diện cho người dân để ký hợp
đồng thuê các dịch vụ quản lý, vận hành chung cư, quyết toán với dân
cư... Nhưng nhà 17T10 đến nay vẫn chưa có Ban quản trị nên hoạt động của
hợp tác xã gặp khó khăn, khó có thể phát triển các hoạt động nhằm hoàn
thiện mô hình quản lý.
Hiện nay, số người dân sinh sống trong các chung cư thuộc các khu đô thị mới là rất lớn. Hơn nữa, trong tương lai, mô hình nhà chung cư còn tiếp tục phát triển mạnh. Ðể tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, ngoài việc tăng cường, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước, các ngành chức năng cần nghiên cứu, có những cơ chế, mô hình quản lý dịch vụ chung cư sao cho hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của đô thị. Không nên để kéo dài tình trạng mỗi nơi quản lý mỗi kiểu, mà phần thiệt thòi chủ yếu là người sử dụng phải gánh chịu.