Những thông tin vừa tiết lộ từ kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất dự án ở TP Cần Thơ giai đoạn 2004-2010, cho thấy nhiều rối rắm và yếu kém, dẫn tới trục lợi lớn.
 Quản lý đất dự án ở Cần Thơ: Rối rắm và trục lợi
Một dãy phố trong những dự án khu dân cư bị truy thu tiền sử dụng đất hơn 107 tỷ đồng. ảnh Sáu Nghệ.

Rối rắm và yếu kém


Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2015, định hướng năm 2020, Cần Thơ có 10 khu công nghiệp và cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nhưng Cần Thơ lại quy hoạch đất lên đến 14 khu và cụm. Trong đó, có 7 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với hơn 650 ha đất không có trong danh mục được Thủ tướng phê duyệt. Đến nay mới triển khai được 4 khu công nghiệp với diện tích 372 ha, chiếm 13% diện tích đất quy hoạch, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai. Trong khi đó, Cần Thơ lại giao 209 ha đất ngoài quy hoạch cho 10 dự án.

Có 6 nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 133 dự án khu dân cư, tái định cư, thương mại-dịch vụ (còn hiệu lực) được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, Cần Thơ có 3 đơn vị làm đấu mối tiếp nhận dự án: Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ, Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, thiếu một đầu mối thống nhất nên không kiểm soát được tiến độ các dự án.

Các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, được giao đất có thu tiền sử dụng đất và thuê đất đã nợ hơn 543 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền đấu giá quyền sử dụng đất lớn nhất với hơn 360 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất được giao hơn 107 tỷ đồng, và 33 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất hơn 75 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn giải thích, nợ nần kéo dài những năm trước, có lý do ở quy định rối rắm. Chẳng hạn, thủ tục đầu tư nhiêu khê nên Cần Thơ chưa thực hiện đúng cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn tới doanh nghiệp chậm nộp tiền trúng đấu giá đất. Việc trả tiền sử dụng đất được giao, không quy định rõ về khấu trừ tiền bồi hoàn áp dụng cho toàn bộ diện tích dự án hay chỉ phần diện tích phải trả tiền sử dụng, sinh ra khiếu nại và giải quyết kéo dài. Tiền thuê đất tăng quá nhanh theo giá quy định từng năm cũng khiến doanh nghiệp lúng túng và phải nợ.

Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý là nguyên nhân chủ quan làm cho lĩnh vực vốn rối rắm càng thêm rối rắm, sinh ra khiếu nại kéo dài và đến nay nợ chưa được trả dứt điểm. Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, đến ngày 30-6-2011, các doanh nghiệp đã trả được xấp xỉ 392 tỷ đồng, còn nợ hơn 151 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền đấu giá quyền sử dụng đất gần 98 tỷ đồng, tiền sử dụng đất được giao hơn 37 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 16 tỷ đồng.

Trục lợi

Hành vi trục lợi nảy nở ở nhiều ngõ ngách, điển hình là “vụ CAWACO”. CAWACO là tên viết tắt của Cty Cổ phần Năng lượng Kho ngoại quan (nay là Cty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ-CAPECO). Năm 2003, CAWACO được UBND TP Cần Thơ cho thuê gần 6,9 ha đất để xây dựng kho bãi cảng; đến ngày 18-5-2009 UBND Cần Thơ cho chuyển sang hình thức giao đất 50 năm có thu tiền sử dụng đất. Không đầy một tháng sau, CAWACO ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, giá hơn 96 tỷ đồng. TCty này trả ngay 20 tỷ đồng.

 Quản lý đất dự án ở Cần Thơ: Rối rắm và trục lợi
Trụ sở CAWACO trên đường Trần Phú (Ninh Kiều, Cần Thơ).

Khi ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng khu đất, CAWACO chưa trả tiền sử dụng đất và chưa được cấp sổ đỏ. Hơn nữa, khu đất này nằm trong khu công nghiệp Hưng Phú và Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp- khu chế xuất Cần Thơ Võ Thanh Hùng cho biết, chuyển nhượng đất trong khu công nghiệp là trái pháp luật. Mặt khác, còn gắn liền với việc chuyển nhượng dự án kho bãi cảng, cũng không thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định.

Theo tính toán của Cục Thuế TP Cần Thơ, “số tiền thu lợi bất chính của CAWACO do hành vi chuyển nhượng đất trái luật” là gần 55 tỷ đồng (hợp đồng hơn 96 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và thuế).

Trách nhiệm quản lý chưa tròn của Sở Tài chính, Sở TN-MT và UBND TP Cần Thơ ở vụ này rất rõ. Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng khu đất được ký với giá 1,4 triệu đồng/m2, sau đó hợp đồng chuyển nhượng chính thức cũng theo giá này. Đây là giá thực tế trên thị trường, xác định bởi Cty Cổ phần Thẩm định giá Miền Nam. Thế nhưng 3 tháng sau, Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP Cần Thơ ban hành công văn xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất chỉ 230.000 đ/m2. Còn Sở TN-MT cấp sổ đỏ cho CAWACO rồi cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, bỏ qua nhiều quy định.

Cuối năm 2010, UBND TP Cần Thơ ra quyết định thu hồ sổ đỏ cấp cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí và TCty đã chấp hành. Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu về ngân sách số tiền hưởng lợi sai trái của CAWACO và xử lý hành chính vi phạm pháp luật đất đai đối với CAWACO. Nhưng CAWACO không thực hiện nên Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an để xử lý theo pháp luật hành vi sai trái của tổ chức và cá nhân liên quan.
Theo Sáu Nghệ (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.