Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng trả lời phỏng vấn của Người Đồng Hành bên lề Hội thảo Quản lý chất lượng và An toàn trong xây dựng, sáng 1/11.
Hiện nay, có nhiều văn bản, Nghị định đã được ban hành nhằm quản lý chất lượng công trình nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, theo ông nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?
Trước hết, phải thừa nhận với nhau về vấn đề này đang gây nhức nhối trong dư luận, nhất là gần đây liên tiếp xảy ra nhiều sự cố liên quan đến chất lượng công trình như tháp truyền Nam Định bị đổ hồi (10.2012) do bão; sập mái nhà thờ Ngọc Lâm ở Thái Nguyên (1.2013), sập mái công trình xây dựng Chi cục thuế H.Yên Dũng, Bắc Giang (8.2013).
Tôi cho rằng, để xảy ra các sự cố về xây dựng là do việc quản lý của chủ đầu tư chưa chặt chẽ; ý thức, năng lực nhà thầu chưa tốt. Mặt khác, khi thi công các công trình xây dựng từ trước tới nay hoàn toàn thiếu vắng cơ chế kiểm tra kiểm soát của Nhà nước.
Đây là bất cập rất lớn, xuất phát từ luật pháp, cụ thể là từ Luật Xây dựng 2003 và sau này dẫn đến lỗ hổng trong Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành năm 2009. Xuất phát từ đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 15 có hiệu lực từ ngày 15.4 vừa qua để tăng cường công tác của cơ quan lý Nhà nước từ giai đoạn thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… công trình; công khai thông tin năng lực nhà thầu.
Những điểm mà các văn bản luật trước đây không có, tạo ra lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, góp phần khiến nhiều công trình không đảm bảo chất lượng.
Theo ông, chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng hiện hành có phải là công cụ hữu hiệu, đủ sức răn đe ?
Tôi cho rằng, việc xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng chỉ đơn thuần bằng tiền thì không đủ sức răn đe. Theo quy định của Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thì mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng.
Hiện, mức này không phải là biện pháp mạnh. Bên cạnh đó, các hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng cũng chưa đa dạng. Hơn nữa, việc cưỡng chế xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm nên nhiều chủ đầu tư, nhà thầu lớn không ngần ngại chịu phạt tiền từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng để đạt được mục đích.
Với mức phạt vi phạm hành chính nêu trên, các chủ đầu tư, nhà thầu chắc chắn không sợ bằng hình thức xử lý cấm thi công xây dựng, cấm tham gia hoạt động xây dựng theo có hoặc vô thời hạn, tùy vào mức độ vi phạm. Thậm chí, cấm chủ đầu tư vận hành công trình.
Nếu làm theo cách đó, cái giá phải trả cho vi phạm xây dựng là rất lớn, như vậy mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên, điều này trong pháp luật hiện hành của ta quy định không cụ thể. Trong khung pháp lý là có cả đình chỉ nhưng trường hợp nào đình chỉ vĩnh viễn hay đình chỉ có thời hạn thì chưa quy định rõ nên khi vận dụng chế tài, các cơ quan Nhà nước vẫn lúng túng nên hình thức xử lý chủ yếu thường là bằng tiền.
Theo tôi được biết, tại nhiều nước đều quy định rất cụ thể mức nào thì cấm có thời hạn, thời hạn bị cấm là bao lâu, và trường hợp nào sẽ bị cấm vĩnh viễn. Ngoài ra, để được tham gia xây dựng, các nhà thầu phải đăng ký và được cơ quan Nhà nước xác nhận mới được hành nghề.
Theo ông, giải pháp nào để cải thiện chất lượng xây dựng yếu kém ở nước ta hiện nay ?
Chúng ta đã có Nghị định 15 về tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định, hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể. Điều quan trọng là các ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai đưa nghị định này vào cuộc để kiểm soát chất lượng công trình từ các khâu là thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng… hi vọng sẽ cải thiện được chất lượng.
Về mặt quy định của pháp luật, hiện đang sửa đổi Nghị định 23, dự kiến khoảng quý 1/2014 sẽ xong. Lúc này, mức trần phạt vi phạm trong hoạt động hành chính có thể sẽ được nâng lên, tăng tính răn đe.
Còn về mặt lâu dài, sẽ phải sửa Luật Xây dựng một cách toàn diện vì có những điểm Nghị định 15 không thể thay đổi do vướng Luật Xây dựng. Dự kiến, từ khoảng 2015 sẽ có thể quản lý chất lượng công trình xây dựng tốt hơn, toàn diện hơn.