Quản lý chặt để đất sử dụng đúng mục đích
Căn cứ các quy định pháp luật về đất đai, đến nay nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp và cá nhân đã tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng đất đai. Ðây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Trong lĩnh vực đất nông nghiệp, theo Nghị định 42/2012/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây hàng năm
phải thực hiện theo đúng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương; không làm biến dạng mặt bằng, không làm thay đổi tính chất vật lý, hóa học của đất để khi cần thiết vẫn gieo trồng lúa được; không làm hư hỏng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng đã được đầu tư trên đất đó. Khi chuyển đất lúa khác sang sử dụng vào trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản: áp dụng các biện pháp để bảo vệ độ phì đất; phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước; nếu di chuyển hoặc làm hư hỏng các kết cấu hạ tầng trên diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng, phải có trách nhiệm khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Khi chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án, thực hiện dự án không đúng tiến độ để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Ðể phát triển kinh tế, đến nay cả nước đã chuyển đổi sang mục đích khác, theo quy định của pháp luật hàng trăm nghìn ha. Bên cạnh sự hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều cá nhân, tổ chức sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp đã sử dụng không đúng mục đích; ngoài ra còn có các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí đất đai, khó khăn cho công tác quản lý. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 134/CT-TTg về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, trong đó chú trọng quản lý hiệu quả đất nông nghiệp, nhiều địa phương đã chỉ đạo thực hiện triệt để việc cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Một trong những địa phương đi đầu trong công tác này là TP Ðà Nẵng. Chính quyền thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, chủ tịch UBND các phường, xã không được chứng thực, sao y bản chính, xác nhận nguồn gốc đất đai của người dân và các loại đất đai không thuộc địa bàn mình quản lý, không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ðể khắc phục những khó khăn về thiếu đất sản xuất, tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hệ thống kênh mương tưới tiêu cho số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. TP Thanh Hóa là khu vực có nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác cũng đã có quy định cụ thể, mang tính đặc thù của địa bàn mình. Tại tỉnh Lâm Ðồng, hằng năm tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, nhằm kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường việc quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp. Tránh tình trạng tự ý chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất thổ cư một cách tràn lan. Việc quản lý đất đai phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng nơi, có quy hoạch, chỉ đạo cụ thể của cấp có thẩm quyền.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2010, đất nông nghiệp của cả nước có 26.226.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 10.126.000 ha, tăng 556.000 ha so với năm 2000. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp không những không giảm mà còn cao hơn chỉ tiêu được giao. Ðây là cố gắng lớn của các địa phương trong việc duy trì, bảo vệ và phát triển quỹ đất. Như vậy, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian qua đã đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng hợp lý và có hiệu quả rõ nét. Tuy vậy, thực tế hiện nay, các ngành, địa phương khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế, dẫn tới tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa quỹ đất. Một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, nên vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên thâm canh lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn nhiều quỹ đất khác. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị nhiều nơi còn dàn trải, có không ít địa phương tỷ lệ lấp đầy còn rất thấp, song vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác. Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng trong khâu thực hiện; việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt còn mang tính hình thức, các quyền của người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở nhiều nơi còn bị vi phạm, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai
Theo quy định của pháp luật về đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bao gồm: chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản; chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng đất được thực hiện theo quy định. Về nguyên tắc, đất đai phải sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất chung quanh; người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Qua kiểm tra tại một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây cho thấy, bất cập lớn nhất hiện nay là các dự án đầu tư, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Cụ thể, đất khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,60% diện tích đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng cơ sở hạ tầng; Vĩnh Phúc còn 47,06%, Hưng Yên còn 76,15%, Bắc Giang còn 60,95%, Phú Thọ còn 71,51%; đối với đất đô thị tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,60% diện tích đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng hạ tầng, Hưng Yên còn 75,06%, Phú Thọ còn 55,09%. Ðất sau khi được chuyển đổi sang sử dụng xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều nơi không phát huy được hiệu quả, để hoang hóa, gây lãng phí rất lớn. Nguyên nhân chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất là do công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển nên không theo kịp sự phát triển kinh tế, xã hội và tốc độ đô thị hóa, chưa giải quyết vấn đề xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường, chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đến đầu tư hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống sinh hoạt của người lao động trong khu công nghiệp, đặc biệt là các công trình phúc lợi xã hội như nhà ở, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao... Ðặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành. Bên cạnh đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật là hoạt động bình thường, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ, thu nhập và việc làm cho người dân. Bên cạnh việc khuyến khích việc sử dụng đúng mục đích, với hàng trăm nghìn ha đất đai sau khi chuyển đổi đang để hoang hóa, lãng phí như hiện nay, cần có biện pháp xử lý thỏa đáng đối với các đối tượng liên quan, thu hồi để phát huy hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên đất là việc làm cần thiết. Muốn đạt được hiệu quả từ công tác quản lý này cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương đã kiểm tra và phát hiện 5.828 tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai với diện tích 73.992,96 ha, đã xử lý 3.670 tổ chức (đạt 61,84%) với diện tích đất 14.323,20 ha (đạt 19,33%), trong đó đã thu hồi diện tích 12.550,40 ha đối với 792 tổ chức.