Từ những năm 1960, sân bay Gia Lâm đã hình thành khu tập thể của sĩ quan, quân nhân các đơn vị quân chủng Phòng không-Không quân. Năm 1976, Tổng cục Hàng không được thành lập, Bộ Quốc phòng quy hoạch phía bắc sân bay Gia Lâm làm khu tập thể cho cán bộ, nhân viên một số đơn vị: Quân chủng Phòng không-Không quân, Cục Tài chính-Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hàng không…
Từ 1990, Tổng cục Hàng không trở thành đơn vị dân sự, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chính phủ rồi Bộ Giao thông vận tải, vẫn có chức năng, quyền hạn như trên cho đến khi Luật Đất đai có hiệu lực (15-10-1993).

Theo Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và khoản 4, Điều 3, Nghị định 198 và Điều 14, Quyết định 117 của UBND TP Hà Nội, thì các hộ gia đình các khu tập thể thuộc tổ 1,2,3, 3A, 20, 21, 22… của ngành hàng không Việt Nam, các cơ quan Bộ Quốc phòng khu vực bắc sân bay Gia Lâm (nay thuộc phường Gia Thụy, Bồ Đề, quận Long Biên) đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Thế nhưng, từ những năm 1997-2010 các tổ dân phố đã 3 - 4 lần, nộp lập hồ sơ cho chính quyền và năm 2005 Hội đồng thẩm định của phường đã công nhận “đủ điều kiện” cấp sổ đỏ, nhưng đến nay, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn vẫn chưa được cấp. Do không có sổ đỏ nên mỗi khi sửa chữa, làm nhà… các gia đình lại bị thanh tra xây dựng phường, quận hạch sách, phải “đi cửa sau” chạy chọt...

Tháng 8-2009, phường Gia Thụy lại yêu cầu các gia đình lại nộp hồ sơ để làm sổ đỏ nhưng phải đo lại đất bằng máy do “công ty cổ phần tư vấn thiết kế khảo sát và đo đạc” đo lại đất với giá “trên trời”: 700.000 đồng/hộ mà không có hóa đơn, chứng từ. Cán bộ địa phương biện minh cho sự chậm trễ như: Hồ sơ chưa được bàn giao từ nhiệm kỳ trước, hồ sơ thất lạc… không thuyết phục được bà con. Ngày 15-4-2010, quận Long Biên ra Công văn số 380 gửi Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội hỏi về “vướng mắc” trong việc làm sổ đỏ khi thực hiện quyết định 117 ngày 1-12-2009 (ở những điều khoản không liên quan đến hầu hết nhà, đất của các gia đình, cá nhân khu vực này) và đưa xuống các tổ dân phố như một sự giải thích về sự chậm trễ. Thử hỏi, Nhà nước có chủ trương làm sổ đỏ cho dân từ những năm 1997-1998, các gia đình nộp hồ sơ từ những năm 1997, 2004, 2008… nhưng tại sao mãi tháng 4 năm 2010 quận mới “hỏi” về những mắc mớ của Quyết định 117 mới ra 2009?

Khi cơ quan thông tin đại chúng đăng tải dồn dập nhiều thông tin về hiện tượng chậm trễ, không minh bạch của quận Long Biên về việc cấp sổ đỏ thì có một số hộ nhận được thông báo của cơ quan thuế nộp nghĩa vụ tài chính để lĩnh sổ đỏ nhưng có hiện tượng tùy tiện, làm sai chế độ tài chính cho dân. Ông Lương Quý Dần 84 tuổi, Đại tá, được Bộ tư lệnh Không quân cấp cho 1,5 gian nhà cùng đất liền kề (175,5m2) ở số nhà 42 ngõ 109 phường Gia Thụy từ năm 1971 ở ổn định, có trong bản đồ địa chính, hằng năm đóng thuế đất đầy đủ, không có tranh chấp… Thế nhưng nay theo thông báo cơ quan địa chính và thuế quận Long Biên ông phải nộp 50% tiền sử dụng đất ngoài hạn mức là 641.250.000 đồng như kiểu đất cấp sai thẩm quyền trong khi theo Quyết định 58 ngày 30-3-2009 của UBND TP Hà Nội, thửa đất này hình thành trước năm 1980 không quy định hạn mức. Ông Nguyễn Đức Bảo nguyên Trung tá được ngành Hàng không Việt Nam cấp gian nhà và đất liền kề 53,4m2 ở số nhà 9 ngách 117/15 Nguyễn Sơn được Tổng cục Hàng không thanh lý năm 1988, ở ổn định không tranh chấp, có trong bản đồ địa chính, nộp thuế đầy đủ… đáng lẽ ông phải được cấp sổ đỏ theo Điều 50 Luật Đất đai, điểm đ, khoản 1, Điều 14 Quyết định 117 của UBND TP Hà Nội, thì tháng 2-2011 ông nhận được thông báo của cơ quan thuế phải nộp 40% tiền sử dụng đất để lấy sổ đỏ không biết theo văn bản nào? Lại nữa, tháng 8-2011, phường lại đưa xuống các tổ dân phố Văn bản số 3444 ngày 27-5-2011 của Sở Xây dựng Hà Nội “hướng dẫn” việc cấp sổ đỏ cho “gia đình, cá nhân có nhà cấp 4 thuộc sở hữu nhà nước… do các cơ quan tự quản đã giải thể, không có đầu mối quản lý hoặc gia đình tự quản…” như để giải thích cho việc quận áp đặt nghĩa vụ tài chính của các hộ dân như trường hợp Nghị định 61. Trong khi gia đình, cá nhân ở đây thỏa mãn với Điều 50 Luật Đất đai, Nghị định 198, Quyết định 117, không thuê, có địa phương quản lý, thu thuế… không phải đối tượng điều chỉnh của Nghị định 61... Giải thích chất vấn vì sao lại gán các hộ được cơ quan thẩm quyền quân đội, ngành Hàng không Việt Nam cấp nhà, đất vào diện trái thẩm quyền, lấn chiếm, một cán bộ phường ngang nhiên trả lời: Một Sư đoàn có quân số chỉ bằng một phường, mà phường thì không có quyền cấp đất nên...(?) Tại nhiều cuộc họp với dân, cán bộ địa phương cũng không trả lời được câu hỏi: Tại sao khu đất công 4000m2 ở Đầm Cung (phường Ngọc Thụy) do địa phương cấp, mua, bán sai pháp luật mà năm 2009 lãnh đạo quận ký xác nhận và cấp sổ đỏ “ngon lành” cho họ, mà lại không chịu làm việc đó cho các hộ có đất hợp pháp? Quận giải thích thế nào khi cùng hoàn cảnh đất như nhau trong cùng khu vực này nhưng đã có một số hộ gia đình, cá nhân lại “lặng lẽ” được cấp sổ đỏ từ những năm 1999 đến 2010 đúng chế độ chính sách của nhà nước (không phải nộp tiền sử dụng đất)?...

Đặc biệt, cùng một "lịch sử" đất giống nhau, cùng thời gian làm sổ đỏ (năm 2011) nhưng mỗi gia đình lại được tính hạn mức khác nhau. Thửa đất số nhà 5 ngõ 117 Nguyễn Sơn được tính 180m2 nhưng thửa ở 42 ngõ 109 Nguyễn Sơn lại chỉ được tính hạn mức 90m2 còn thửa đất của ông Nguyễn Đức Bảo (nói trên) lại không được tính hạn mức...Thửa đất số nhà 21 ngõ 109 Nguyễn Sơn loại đường cấp 2 được tính đơn giá 1.584.000đ/m2 (để tính tiền lệ phí trước bạ) nhưng thửa đất số 42 bên số chẵn cùng loại (cấp 2) lại được tính giá 15.000.000đ/m2?...

Chính vì các cơ quan chức năng của địa phương cứ mãi quanh co nên đến nay việc cấp sổ đỏ vẫn chưa được thực hiện, gây bức xúc cho hàng ngàn hộ gia đình nơi đây.

Theo Nguyễn Đình Ấm (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland