19/05/2012 7:38 AM
8 cụm công nghiệp, 2 dự án “treo” với diện tích hơn 1.000 ha tồn tại nhiều năm trên địa bàn huyện Hóc Môn-TPHCM như một gánh nặng cho địa phương này

Mang tiếng là làm dự án để thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo thu nhập, cải thiện môi trường sống của người dân… Thế nhưng khi dự án đến cũng là lúc mọi quyền lợi của người dân liên quan đến nhà đất đều chững lại, người bỏ ruộng hoang hóa, người phải tha phương làm công nhân, người phải thuê nhà trọ ở vì không được phép xây cất nhà...

Ruộng hoang, đồng trống

Chạy dọc Quốc lộ 22, một bên là xã Tân Hiệp và một bên là xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), những cánh đồng rộng mênh mông nhưng được phủ bởi một màu xanh của cỏ dại. Thỉnh thoảng, bên vệ đường xuất hiện vài quán nước giải khát được lợp bằng lá dừa tạm bợ, những dãy đất mặt tiền, vị trí đẹp nhưng mọi hoạt động kinh doanh, mua bán của người dân đều bị đình đốn.

Những cánh đồng màu mỡ trước đây tại xã Tân Thới Nhì trở thành ruộng hoang do vướng dự án “treo” khu đô thị An Phú Hưng

Chỉ tay về phía cánh đồng rộng hơn 15.000 m2, lão nông Vũ Văn Dậu (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì) xót xa: “Trước đây, cánh đồng này xanh mướt màu lúa, đẹp lắm. Cả gia đình tôi gần chục người canh tác, làm kinh tế nhờ ruộng lúa này nhưng giờ đây nhà tôi chỉ trồng 2.000 m2 đủ ăn thôi, còn lại cho người nghèo tận dụng trồng lúa, con cái phải chuyển sang làm công nhân hết rồi…” Ông Dậu giải thích: “Ruộng phèn cải tạo lại làm cũng có ăn nhưng bây giờ vô quy hoạch rồi, “treo” hơn 8 năm mà chẳng thấy ai đả động gì!”.

Nằm dọc đường Đặng Công Bỉnh (ấp Nhị Tân 2) là những căn nhà dựng tạm bợ bằng tôn, lá dừa. Toàn bộ vài trăm hộ ở đây đều dính dự án “treo”, kể cả những ngôi nhà khang trang cũng không có giấy tờ. Chỉ vào căn nhà xập xệ của mình, ông Dậu nói: “Khu đất của tôi rộng hơn 200 m2 , dù con cái đông nhưng do vướng dự án “treo” nên không thể xin tách thửa, cất nhà. Toàn bộ 12 người, cả dâu, rể, con cháu đều sống trong ngôi nhà diện tích 50 m2 chật chội, tù túng này. Không biết bao giờ chủ đầu tư đền bù hoặc không làm thì nhả “treo” ra để người dân đỡ khổ !” - ông Dậu bức xúc.

Ông Trần Văn Ri, nhà kế bên, cũng lắc đầu ngao ngán: “Mấy tháng nay đi xin UBND xã được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để chia cho các con nhưng không được. Nếu chủ đầu tư không làm nổi thì trả lời để người dân biết, chứ “treo” quyền lợi người dân gần chục năm nay thì ai chịu đời thấu”.

Lại phải chờ chủ đầu tư

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, đây là gánh nặng của địa phương. Dự án khu đô thị An Phú Hưng có diện tích 650 ha thuộc 2 xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp, được UBND TP có quyết định giao đất từ năm 2004 cho chủ đầu tư là Tổng Công ty An Phú (nay là Công ty TNHH MTV An Phú). Theo ông Hùng, chỉ riêng xã Tân Thới Nhì có 948 hộ bị ảnh hưởng với 436 ha. Thế nhưng từ khi có quyết định giao đất đến nay, chủ đầu tư chưa tiến hành bồi thường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, ruộng đất bỏ hoang.

Ngoài dự án khu đô thị An Phú Hưng, theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, toàn huyện còn có 8 cụm công nghiệp cũng bị “treo” nhiều năm nay. Trong đó chỉ có cụm công nghiệp Khánh Đông là có chủ đầu tư và đã tiến hành đền bù một phần diện tích nhưng vẫn rất chậm và ì ạch; 7 cụm còn lại chưa có chủ đầu tư, những dự án này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
“Toàn bộ các cụm công nghiệp này nằm rải rác trong khu dân cư nên nếu triển khai sẽ tác động không nhỏ đến vấn đề môi trường và kết nối hạ tầng. Do đó UBND huyện đề xuất UBND TP cho phép điều chỉnh quy hoạch tại 3 cụm công nghiệp. Riêng những dự án “treo” quá lâu như khu đô thị An Phú Hưng, huyện đề xuất TP thu hồi để giải tỏa bức xúc cho người dân”- bà Tuyết nói.

Dù chính quyền địa phương đề xuất thu hồi nhưng đến nay UBND TP vẫn phải chờ chủ đầu tư chứng minh năng lực tài chính sau khi có sự thay đổi chủ đầu tư vào năm 2009. Chính sự thay đổi này khiến dự án kéo dài hơn và đến nay chủ đầu tư mới bồi thường được 0,56% diện tích, tương đương 7 ha/650 ha.

Chủ đầu tư vẫn chây ì

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, cụm công nghiệp Khánh Đông nằm vị trí đẹp, dọc Quốc lộ 22 nên việc chủ đầu tư chậm bồi thường, triển khai dự án đã gây lãng phí rất lớn. Dù triển khai hơn 5 năm nhưng đến nay chủ đầu tư chỉ bồi thường 27 ha/38 ha và khai thác trên diện tích đã bồi thường, không làm thủ tục thuê đất, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, không tiếp tục bồi thường diện tích còn lại của dự án, những phần chưa thực hiện đa số là đường sá, cây xanh, khu xử lý nước thải…

Trước sự chây ì này, UBND huyện Hóc Môn đã có kiến nghị UBND TP thu hồi khu đất trên. Hướng sắp tới là trước khi thu hồi, UBND huyện sẽ điều chỉnh quy hoạch, di dời cụm công nghiệp này sang nơi khác, sau đó sẽ di dời toàn bộ trung tâm hành chính của huyện đến đây.

Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.