Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp địa phương đã không tính toán đến nhu cầu thực tế của người dân, dẫn đến tình trạng một số công trình đang thi công thì bỏ dở hoặc xây dựng xong không sử dụng, gây thất thoát và lãng phí vốn đầu tư.
Công trình kỷ niệm 50 năm thành lập TP Việt Trì.
Công trình Trung tâm văn hóa thể thao TP là một ví dụ. Công trình này được khởi công xây dựng năm 2007 tại khu Bảo Đà, P.Dữu Lâu, do UBND TP Việt Trì là đơn vị chủ đầu tư, với số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Công trình có tổng diện tích 15ha bao gồm các hạng mục sân vận động 10.000 chỗ ngồi, diện tích 1,8ha; nhà tập luyện thi đấu 2 tầng, diện tích 3.172m2; bể bơi; nhà điều hành; 6 sân tennis trong đó 4 sân ngoài trời và 2 sân trong nhà với diện tích 5.200m2 và nhiều công trình phụ trợ khác. Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2007 - 2009, giai đoạn 2 từ 2009 - 2012.
Đây là công trình kỷ niệm 50 năm thành lập TP Việt Trì năm 2012. Chỉ hơn 3 năm sau ngày khánh thành, sân vận động này đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Mặt trước từ cổng chính đi vào của trung tâm được trang hoàng khá cẩn thận và đẹp mắt, nhưng bên trong sân bóng cảnh tượng không khác gì khu vực hoang, lạnh lẽo và ảm đạm. Trên khán đài tường vôi bị bong tróc, rêu xanh; cỏ mọc um tùm và ngổn ngang đất đá xây dựng.
Cỏ mọc xanh um các lối ra vào sân vận động.
Theo người dân nơi đây, sân vận động này hiện nay đã hoàn toàn cho tư nhân thuê kinh doanh sân tennis, làm cỏ sân đá bóng nhân tạo, kinh doanh quán bia, rửa xe... Đất quá rộng không sử dụng đến nên trở thành nơi để người dân thả bò, đi bộ tập thể dục... thỉnh thoảng mới có một vài chương trình nhỏ diễn ra. Công trình này bị bỏ hoang không chỉ gây tốn kém ngân sách, lãng phí đất đai mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.
Trước đó, TP Việt Trì đã có một sân vận động quy mô lớn trên đại lộ Hùng Vương, vậy nên việc xây dựng sân vận động này là không thực sự cần thiết. Nhất là bởi đầu tư tốn kém, xây dựng xong để cỏ mọc hoang trong khi người dân không có đất để sản xuất.
Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là một chủ trương đúng đắn. Tuy vậy, thiết nghĩ, trong quá trình thiết kế và thi công các công trình, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân để tránh tình trạng lãng phí trên.
Nguyễn Nhung (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.