Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc.
Một góc huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: THÁI BẰNG
- Phóng viên: Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Qua 9 năm thực hiện, Phú Quốc có bước phát triển như thế nào?
>> Ông NGUYỄN PHONG QUANG: Thời gian qua, Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Năm 2012, tổng giá trị GDP của Phú Quốc ước đạt 2.145 tỷ đồng (gần bằng 5 lần so với năm 2004); GDP bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm (bằng 5,78 lần so với năm 2004); thu ngân sách ước đạt hơn 681 tỷ đồng (bằng hơn 15,5 lần năm 2004). Hàng năm, lượng khách du lịch đến Phú Quốc tăng bình quân 13%; trong năm 2012, lượng khách du lịch đến Phú Quốc đạt 362.000 người.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trên đảo đã được quy hoạch và đầu tư đáng kể. Trong đó, đã hoàn thành các công trình trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (tiếp nhận được máy bay B767, B747 - 400); cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới, cảng nội địa Dương Đông, Bãi Thơm. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng đang tiếp tục hoàn chỉnh các trục giao thông chính Bắc - Nam; đường quanh đảo và kết nối các trục đường ngang với đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn… Phú Quốc đã thu hút 206 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch với diện tích hơn 9.360ha, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai xây dựng với vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.
- Tại các hội nghị, hội thảo về phát triển đảo Phú Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư cho Phú Quốc như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của hòn đảo này. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Dù Chính phủ và các bộ ngành trung ương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho Phú Quốc, Tổ công tác Phú Quốc cũng đã đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển Phú Quốc, tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu; các cơ chế, chính sách, khung pháp lý hỗ trợ phát triển huyện đảo còn thiếu, chưa đồng bộ đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tốc độ phát triển đảo. Kết quả đầu tư, phát triển Phú Quốc thời gian qua còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay cần được tập trung tháo gỡ cho Phú Quốc là cơ chế tài chính, vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, cơ chế thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân; cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công có liên quan nhu cầu nhà đầu tư, du khách và phục vụ đời sống nhân dân…
- Để Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế tầm cỡ, Chính phủ đã thành lập tổ công tác Phú Quốc và giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì nghiên cứu cơ chế, chính sách cho Phú Quốc. Với tư cách Tổ trưởng tổ công tác , ngoài chính sách chung, theo ông, cần những giải pháp riêng nào để Phú Quốc phát triển?
Vừa qua Trung ương đã có nhiều cuộc họp, hội thảo bàn về phát triển đảo Phú Quốc. Tại các cuộc họp, hội thảo nêu trên, đa số các ý kiến đều cho rằng với tiềm năng sẵn có, Phú Quốc không những có lợi thế về kinh tế mà còn là tiền tiêu về an ninh, quốc phòng ở biển Tây. Xây dựng Phú Quốc thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương, tạo sự gắn kết và sức lan tỏa trong việc phát triển chung của vùng ĐBSCL, cũng như của cả nước là cấp thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định xây dựng Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, theo tôi, Phú Quốc cần có chính sách đặc thù riêng để tăng khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành trong cả nước, trở thành trung tâm kinh tế của cả nước và của vùng. Cơ chế khác biệt đó phải đủ mạnh, trong đó chú ý về chính sách đất đai, đầu tư và thu hút đầu tư phải được thể chế hóa trong hiến pháp và pháp luật, tạo ra mô hình để phát triển; chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước.
- Đến nay, tổ công tác Phú Quốc đã triển khai đề án về phát triển Phú Quốc như thế nào?
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - chỉ đạo ban và tổ công tác Phú Quốc khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành trung ương; tỉnh Kiên Giang nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh Đề án Xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Theo đó, việc phát triển của Phú Quốc phải xác định và lựa chọn những ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, bảo đảm tính bền vững.
Để Phú Quốc phát triển, phải làm rõ tính đặc biệt về hành chính, kinh tế, quốc phòng, an ninh của Phú Quốc; trên cơ sở đó có cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh về mô hình hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, ưu đãi thuế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xuất - nhập cảnh, lưu trú... Những cơ chế, chính sách đặc thù phải được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Xác định cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu tư - nhất là nguồn lực từ bên ngoài - theo nguyên tắc chỉ những gì không thể thu hút được đầu tư bằng cơ chế, chính sách ưu đãi thì Nhà nước mới đầu tư…