08/10/2011 12:50 AM
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư Số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền phải thẩm tra thông tin về giao dịch đáng ngờ trên thị trường địa ốc …

Phóng chống rửa tiền và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Rửa tiền là gì ?


Rửa tiền là việc biến số tài sản bất chính do phạm tội mà có thành tài sản không liên quan gì đến việc phạm tội trước đây, để sử dụng số của cải đó; hay nói cách khác, đó là các hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Tài sản bất chính do phạm tội mà có có thể là bất kỳ một loại tài sản nào, nhất là tiền mặt, gọi là “tiền bẩn”, “tiền đen”, đặc biệt với số lượng lớn, đang rất cần làm (rửa, tẩy trắng, hợp pháp hóa) thành tiền sạch.


Mục đích rủa tiền là để biến số của cải bất chính thu được thành của cải có vẻ như do hoạt động hợp pháp mà có, để cơ quan có thẩm quyền không thể tịch thu hay sung công quĩ và để có thể chuyển tiền trên toàn thế giới, tài trợ cho những hoạt động tội phạm khác. Theo thống kê của LHQ (tháng 3/2005) hàng năm có từ 500 tỷ đôla Mỹ - 1000 tỷ đô la Mỹ tiền bẩn được rửa thành tiền sạch. Ở nước ta mỗi năm bình quân 80.000 vụ phạm tội (hình sự, kinh tế, ma túy), do đó cũng có một lượng tài sản bất hợp pháp trị giá hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng phải rửa.


Rửa tiền không chỉ là hậu thuẫn làm gia tăng các hoạt động tội phạm, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trong khác như: làm suy yếu, xói mòn độ tin cậy của các thiết chế tài chính, phá hoại kinh doanh hợp pháp, làm giảm số doanh thu từ thuế, là nguy cơ đối với các nước đang phát triển; đe dọa an ninh chính trị, tác động xấu tới kinh tế toàn cầu.

Tuy rất phức tạp song có thể phân chia hoạt động rửa tiền qua các giai đoạn: Sắp xếp- Phân lớp (phân tán)- Hòa nhập (Quy tụ).

Sắp xếp: Kẻ rửa tiền tìm cách xử lý số tiền mặt cồng kềnh bằng cách như tạo lập và gửi số tiền đó vào các tài khoản trong hệ thống tài chính mà không ai nghi ngờ; Vận chuyển tiền mặt ra khỏi đất nước sang một quốc gia khác-nơi không có hoặc có cơ chế phòng chống rửa tiền yếu kém; Chuyển các khoản tiền đó thành các công cụ tài chính có thể chuyển đổi như séc ngân hàng, séc du lịch…; Sử dụng các sòng bạc; Mua tài sản có giá trị lớn bằng tiền mặt như mua kim loại quý, đá quý hoặc bất động sản…

Phân lớp (phân tán): Bọn rửa tiền tiếp tục phân chia các khoản tiền có nguồn gốc phi pháp của chúng. Việc phân tán được thực hiện bằng cách tiến hành một loạt các giao dịch tài chính mà về tần suất, khối lượng hoặc mức độ phức tạp đều giống như các giao dịch tài chính hợp pháp. Giai đoạn này thường bao gồm việc chuyển tiền qua nhiều nước khác nhau. Thường liên quan chặt chẽ với giai đoạn “sắp xếp”.

Hòa nhập (Quy tụ): Giai đoạn này, tiền phi pháp có được vẻ bề ngoài như là có nguồn gốc hợp pháp và những kẻ rửa tiền ‘quy tụ’ nguồn tiền phi pháp của chúng vào nền kinh tế hoặc sử dụng để hưởng lạc hoặc mở rộng hoạt động tội phạm của chúng. Thực hiện được thông qua việc mua tài sản: bất động sản, hàng hóa xa xỉ, chứng khoán … nhưng không nhất thiết được thực hiện tại nơi thường trú chính của kẻ phạm pháp.

Ví dụ: Tiền thu được từ bán cần sa ở nước hoặc vùng lãnh thổ A một phần được gửi vào các ngân hàng nước này và phần còn lại được chuyên chở bằng “người vận chuyển” và gửi vào một ngân hàng ở nước B. Thông qua nhà cung cấp dịch vụ công ty để lập ra các công ty danh nghĩa ở nước C và tiền được chuyển từ các tài khoản ngân hàng ở A và B vào các tài khoản ở C. Sau đó tiền lại được chuyển từ C đến một cty ở A, đến đây thì hoàn tất chu kỳ rửa tiền.

Như vậy sắp xếp: Gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng ở A và vận chuyển lậu tiền mặt sang B và gửi vào các tài khoản ngân hàng ở B. Phân lớp: Hình thành các công ty danh nghĩa ở C và sau đó chuyển tiền vào các tài khoản của công ty danh nghĩa ở C; Và hòa nhập: Chuyển tiền từ C đến một công ty ở A.

Ở Việt Nam, rửa tiền được quy định trong Nghị định 74/2005-NĐCP cùa Chính phủ ngày 7/5/2005 về Phòng chống rửa tiền (gọi tắt là Nghị định 74) và tại điều 251 Bộ luật Hình sự 2009.

Theo giải thích của Nghị định 74: Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: *Tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; *Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; *Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, nguỵ trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, qúa trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Điều 251- Bộ luật Hình sự quy định người nào thực hiện một trong 4 hành vi sau đây là phạm tội rửa tiền: *Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; *Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; *Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; *Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Ngoài hình phạt bổ sung tịch thu tài sản, phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, người phạm tội rửa tiền có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 15 năm tù.

Như vậy rửa tiền là những hành vi vi phạm pháp luật, cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Phòng chống rửa tiền hiệu quả

Muốn phòng chống rửa tiền hiệu quả phải làm tốt các vấn đề sau : Xây dựng hệ thống pháp luật; Có các cơ chế phòng ngừa hữu hiệu ; Xây dựng các cơ quan thực thi pháp luật đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả ; Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống rửa tiền.

Liên hợp quốc đã có các Công ước về Phòng chống rửa tiền và liên quan đến phòng chống rửa tiền Liên hiệp quốc: Công ước Viên, Công ước Palécmô, Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố, Nghị quyết số 1373, Nghị quyết số 1267 và các văn bản kế thừa, Chương trình toàn cầu về chống rửa tiền… Đặc biệt là 40 + 9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, ban hành năm 1990 và được sửa đổi năm 1996 và 2003. Nội dung chính gồm khuyến nghị các quốc gia thiết lập một khuôn khổ toàn diện về phòng chống rửa tiền và thiết kế để áp dụng phổ biến ở các nước trên toàn thế giới, đưa ra các nguyên tắc hành động; cho phép một nước linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu của hiến pháp; Các nước cần hình sự hóa hành vi rửa tiền; tội rửa tiền gắn với các tội phạm nghiêm trọng khác; Nhận diện, truy tìm, phong tỏa và tịch thu tài sản; xây dựng cơ quan theo dõi, xử lý thông tin trong phòng chống rửa tiền…

Trên tinh thần đấu tranh kiên quyết với nạn rửa tiền,Việt Nam cam kết thực hiện 40 + 9 khuyến nghị của FATF. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống rửa tiền do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thứ trưởng Bộ Công an là Phó Trưởng ban cùng các thành viên của các ban ngành liên quan. Thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền (AMLD) là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước có chức năng: Làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin; cung cấp tài liệu và thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và thông tin về các giao dịch được quy định tại Điều 9, 10 Nghị định 74. Cục có con dấu riêng và đặt trụ sở chính tại Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài việc tội phạm hóa hành vi rửa tiền, Nhà nước ban hành Nghị ®Þnh sè 74/2005/N§ ngµy 07 th¸ng 6 n¨m 2005 vÒ phßng chèng röa tiÒn. Nghị định gồm 6 chương và 27 điều. Điểm chú ý là Nghị định xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống rửa tiền nhất là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các định chế tài chính và một số cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời nêu các biện pháp phòng ngừa chung: Xây dựng quy trình kiểm soát và kiểm toán nội bộ; Bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các chính sách, kế hoạch, quy trình, biện pháp phòng chống rửa tiền (PCRT); Xây dựng quy trình tìm hiểu, cập nhật thông tin và nhận biết khách hàng; Lưu giữ, cập nhật số liệu và báo cáo các giao dịch; Hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cá nhân, cơ quan và tổ chức trong PCRT; Đào tạo nhân viên để nâng cao trách nhiệm của họ trong việc PCRT; Áp dụng theo thẩm quyền các biện pháp tạm thời

Trách nhiệm của Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong phòng chống rửa tiền

Căn cứ theo Nghị định 74, ngoài các định chế tài chính thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là tổ chức, là một trong những cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền. Nghị định quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có đăng ký kinh doanh phải làm những việc sau:

Thứ nhất: Xây dựng quy trình tìm hiểu, cập nhật thông tin và thủ tục nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8 Nghị định. Cụ thể phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Khi khách hàng mở tài khoản lần đầu; Khi xuất hiện giao dịch tiền mặt đến ngưỡng phải báo cáo theo Điều 9 Nghị định 74; Khi các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ theo Điều 10 Nghị định 74; Bất kỳ một giao dịch nào có quy mô và tính chất mà các tổ chức, cá nhân thấy cần phải nhận biết.

Thứ hai : Lưu giữ, cập nhật số liệu và báo cáo các giao dịch theo quy định tại Điều 12 Nghị định 74. Qua hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải lưu giữ số liệu và báo cáo cho Cục Phòng chống rửa tiền các giao dịch: *Giao dịch vượt ngưỡng: gửi, rút tiền mặt từ 200 triệu đồng trở lên, giao dịch tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên; *Giao dịch đáng ngờ (Quy định tại Điều 10)

Thứ ba: Kịp thời thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong việc phòng, chống rửa tiền;

Thứ tư: Đào tạo nhân viên để nâng cao trách nhiệm của nhân viên trong việc phòng, chống rửa tiền;

Thứ năm: Áp dụng theo thẩm quyền các biện pháp tạm thời quy định tại Điều 11 Nghị định. Các biện pháp tạm thời được áp dụng trong phòng, chống rửa tiền (Điều11): Không thực hiện giao dịch; Phong toả tài khoản; Niêm phong hoặc tạm giữ tài sản; Tạm giữ người vi phạm và các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật

Công ty kinh doanh bất động sản là nơi đối tượng rửa tiền chú ý lợi dụng, pháp luật quy định rõ về trách nhiệm trong phòng chống rửa tiền của các công ty này. Bài viết này được đưa ra với mong muốn giúp bạn đọc và doanh nghiệp hiểu rõ những quy định về rửa tiền và trách nhiệm phòng chống rửa tiền được nhận thức sâu sắc và biến thành hành động trong thực tế./.

Theo ThS. Phạm Văn Cảnh (Tạp chí BĐS Nhà đất Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.