Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch. Ảnh: Đức Lê. |
Còn tồn đọng nhiều GCN
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình thực hiện mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm?
Ông Lê Văn Lịch: Trong 6 tháng đầu năm 2013, tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm mới cấp được 822.600 GCN với diện tích 366.600ha, chỉ đạt 18% so với yêu cầu. Để đạt được mục tiêu của Quốc hội, từ nay đến hết năm 2013, các tỉnh, thành phố phải nỗ lực cấp khoảng 2.900.000 GCN với tổng diện tích 1.684.000ha. Một số địa phương có chuyển biến tích cực trong công tác cấp GCN là Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận… Tuy nhiên, một số địa phương tỷ lệ cấp GCN còn rất thấp như Điện Biên, Hòa Bình, Gia Lai…
PV: Kết quả trên cho thấy, mục tiêu mà Quốc hội đề ra đang được thực hiện chậm chạp, thưa ông?
Ông Lê Văn Lịch: Đúng như vậy! Theo kết quả rà soát tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm cho thấy, số lượng GCN chưa cấp, còn tồn đọng rất lớn, nhiều nhất là Hà Nội (khoảng 168.000 thửa đất và gần 500.000 căn hộ), Nghệ An (335.000 thửa), TP Hồ Chí Minh (311.000 thửa đất và căn hộ), Gia Lai (218.000 thửa), Khánh Hòa (141.000 thửa), Quảng Ngãi (140.600 thửa), Đắc Nông (119.000 thửa), Hải Phòng (104.000 thửa), Quảng Ninh (80.800 thửa)…
Để đạt mục tiêu cấp GCN cho 85% diện tích các loại đất như Quốc hội đề ra, tổng khối lượng cần cấp GCN của 22 tỉnh, thành phố trọng điểm trong năm 2013 là khoảng 3.726.000, với tổng diện tích 2.050.600ha. Trong đó, đất chuyên dùng cần cấp 78.000 GCN với diện tích 212.000ha; đất đô thị khoảng 1.090.000 GCN với diện tích 11.100ha; đất ở nông thôn 770.400 GCN với diện tích 30.210ha; đất lâm nghiệp 459.000 GCN với 1.085.000ha; đất nông nghiệp 1.328.000 GCN với 711.000ha…
PV: Hiện trạng trên có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
Ông Lê Văn Lịch: Các trường hợp tồn đọng chủ yếu là do có nguồn gốc đất phức tạp, vi phạm pháp luật về đất đai (giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà trái phép, lấn chiếm đất đai…). Vẫn còn một số địa phương chưa tập trung cao cho việc chỉ đạo thực hiện hoặc chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện ở các cấp huyện, xã.
Ưu tiên cấp cho người mua nhà ở
PV: Có ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất của địa phương trong cấp "sổ đỏ" là vấn đề kinh phí, thưa ông?
Ông Lê Văn Lịch: Theo báo cáo của các địa phương, nhu cầu kinh phí để hoàn thành cấp GCN lần đầu tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm khoảng 3.175 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí còn chậm, mới chỉ có 15/22 tỉnh, thành phố báo cáo đã bố trí kinh phí năm 2013 từ ngân sách địa phương với tổng kinh phí 336 tỷ đồng (bằng 12% so với nhu cầu), gồm Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Ninh, Sơn La, Bắc Giang, Hải Phòng, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên. Có 15 tỉnh, thành phố trọng điểm đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền 423 tỷ đồng. Trong đó, có 5 tỉnh giải ngân 100% kinh phí Trung ương hỗ trợ gồm Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Ninh Thuận; có 6 tỉnh đã giải ngân nhưng chưa hết; hiện vẫn còn 4 địa phương chưa giải ngân.
PV: Giải pháp nào để đẩy nhanh việc cấp GCN trong những tháng còn lại của năm 2013, thưa ông?
Ông Lê Văn Lịch: Xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vừa qua, Bộ TN&MT đã có cuộc họp và yêu cầu 22 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát lại khối lượng tồn đọng chưa cấp GCN; xác định số trường hợp vướng mắc, không đủ điều kiện cấp để đề xuất hướng giải quyết; xác định đối tượng và địa bàn cần ưu tiên tập trung để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Riêng 2 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần rà soát kỹ các dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành, không có vướng mắc, không vi phạm đất đai để ưu tiên cấp GCN cho người mua nhà ở.
Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ bổ sung kinh phí năm 2013 cho các địa phương để thực hiện việc đo đạc, cấp GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trong năm 2013 (dự kiến khoảng hơn 2.154 tỷ đồng), nhất là đối với các tỉnh, thành phố có khối lượng cần cấp GCN lần đầu còn nhiều, có khó khăn về ngân sách, không có khả năng cân đối và bố trí đủ kinh phí cho công tác quản lý đất đai. Đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp GCN để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp GCN lần đầu của các địa phương hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!