Không ít gia đình tại khu căn hộ trên đường Nguyễn Đức Cảnh - Hà Nội nhiều năm chờ sổ đỏ. Ảnh: Minh Tuấn.
Ông Lịch cho hay, mỗi địa phương, theo quy định, phải dành tối thiểu 10% tiền sử dụng đất thu hằng năm để đầu tư cho việc cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, thực tế chỉ có tỉnh Bắc Giang đầu tư trên 32 tỷ đồng, cao hơn quy định. Các tỉnh khác, khối lượng tồn đọng còn nhiều nhưng việc đầu tư kinh phí còn hạn chế. Tỉnh Điện Biên năm 2012 đầu tư một tỷ đồng, Lai Châu hai tỷ đồng, Sơn La bốn tỷ đồng.
Có nơi như Hải Phòng không bố trí kinh phí từ ngân sách. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thủ tục cấp sổ đỏ phức tạp, chưa đúng quy định; một số địa phương chỉ muốn giải quyết từng trường hợp mà không muốn triển khai đồng loạt..
Ngay tại Hà Nội, cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người làm thủ tục sổ đỏ. Thậm chí có tình trạng cán bộ cấu kết với bên ngoài để làm dịch vụ cấp sổ đỏ.
Trong khi đó, đại diện nhiều địa phương than gặp khó. Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Lắk, cho hay với các trường hợp tồn đọng đa phần thuộc diện không còn hồ sơ sổ sách, nguồn gốc đất phức tạp.
Theo ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Nông, cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng lãnh đạo tỉnh cũng chưa quyết liệt trong việc cấp sổ đỏ.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, lượng sổ đỏ tồn đọng ở các tỉnh còn rất lớn. Nhiều nhất là Hà Nội chưa cấp sổ đỏ cho 168.000 thửa đất và gần 500 ngàn căn hộ; Nghệ An là 335.000 thửa; TPHCM 311.000 thửa đất và căn hộ.
Năm 2013, theo ông Quang, Bộ TN&MT phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu cấp 3,7 triệu sổ đỏ lần đầu, với tổng diện tích hơn hai triệu hecta, đạt 85% tổng khối lượng các loại đất cần cấp của 22 tỉnh thành trọng điểm.
Hôm qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố họp bàn về giải pháp phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp sổ đỏ lần đầu trong năm 2013 tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm. Nhưng nhân lực phục vụ cấp sổ đỏ ở từng tỉnh thành, tính trung bình, chỉ dưới 20 người. |