Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản sáng 22/1, nhiều giải pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường nhà ở được nhiều chuyên gia đầu ngành bàn luận sôi nổi. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, bức tranh bất động sản đang tồn kho và nợ xấu, tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng là căn hộ quy mô vừa và nhỏ và dự án cao cấp đầu tư một cách nghiêm túc vẫn bán được hàng.
"Lãi suất ngân hàng đang bóp chết doanh nghiệp, hiện nay huy động vốn là 8% nhưng doanh nghiệp thường phải vay là 18-19%. Nhiều đơn vị phải tự cứu mình và chấp nhận bán lỗ, lợi thế cho người mua nhà rất lớn", ông Lê Hoàng Châu bày tỏ.
Ông Châu cho rằng, có 7 yếu tố làm nhà ở cao là vốn lãi vay, tiền sử dụng đất, chi phí xây dụng, thuế, phí, cấp điện, nước. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì các doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng giá nhà ở xuống 30%. Ngoài ra, cần phát triển thị trường nhà cho thuê mức giá bình dân 2 triệu đồng mỗi tháng, hoặc nhà bán trả góp dài hạn với lãi suất 6-8% một năm.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, nhận xét, phải thiết lập quan hệ cung - cầu mới, cung cấp thêm dòng sản phẩm giá thấp cho thị trường. Hiện giá bất động sản còn chênh lệch rất lớn so với bình diện chung. Hệ số chênh lệch từ những giá trị bất động sản được khảo sát so với thu nhập bình quân xã hội còn vượt 5-10 lần.
Ông Thành cho rằng, trong cơ cấu giá thành của nhà ở, tỷ trọng tiền đất chỉ có thể chiếm 30%, lãi suất ngân hàng tối đa 10% thì thị trường dễ tiếp cận. Nhưng thực tế, nhiều dự án, tiền đất chiếm 40%, thậm chí 50-60%; lãi suất ngân hàng quá lớn, chiếm tới 50% cơ cấu giá thành.
Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng chưa phát huy được hiệu quả trên thị trường, ngân hàng có quy định chưa thích hợp với đối tượng được vay. Người thu nhập thấp không có các điều kiện như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập...
TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài
chính), cho rằng, chúng ta đang quay lại tư duy trông cậy vào sự hỗ trợ của nhà nước. Hỗ trợ của nhà nước là cần thiết nhưng không nên cho rằng Nghị quyết 02 sẽ giải quyết được mọi vấn đề.
Về nhà ở, vấn đề lớn nhất là xác định đối tượng thu nhập thấp, tài sản của họ, họ sống ở đâu, có đủ điều kiện để vay mua nhà hay không. Đầu tư 20 đến 40 nghìn tỉ đồng không phải là lớn nhưng để đưa đúng về đối tượng không đơn giản. Do vậy, cần xác định biện pháp hỗ trợ người thu nhập thấp trước tiên.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Trần Ngọc Hùng đề nghị Ban chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản phải có các đoàn công tác xuống các địa phương lớn để tập trung rà soát và đưa ra quyết định cho phép dự án nào triển khai tiếp, dự án nào dừng, chuyển đổi, thậm chí thu hồi những dự án không phù hợp quy hoạch. Bởi không thể tin vào các con số thống kê hiện nay mà các địa phương đưa ra.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch công khai cho thị trường nhà ở là phải công khai toàn bộ các dự án lên website về tiến độ, nguồn vốn, chủ đầu tư…
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết phải thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02 tiếp tục bảo đảm được nền kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Các biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra trong nghị quyết cần phải triển khai.
"Thị trường nhà ở chưa khởi sắc nhưng rõ ràng cuối năm 2012, lòng tin của người dân với thị trường đã khá hơn. Chúng ta phải phát huy kết quả này trong năm 2013, tiếp tục tạo lòng tin cho người mua nhà", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần cơ cấu lại thị trường bất động sản, chuyển dần phân khúc cao cấp sang phân khúc trung bình có cầu lớn. Để làm được việc này, ông yêu cầu các địa phương rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã xây dựng nhưng chưa có người vào ở, những dự án gần hoàn thành nhưng thiếu vốn cần có sự hỗ trợ, báo cáo Chính phủ.
Thậm chí với các dự án nhà ở không bán được thì doanh nghiệp cần chuyển sang cho thuê. Các bộ ngành cần cùng ngồi lại để xem khi doanh nghiệp chuyển dự án sang nhà ở cho thuê thì cần Nhà nước hỗ trợ, cơ chế gì. Nhiều biện pháp cùng thực hiện sẽ góp phần tạo thanh khoản cho thị trường.
Đặc biệt cơ chế tín dụng cho người mua cần triển khai khẩn trương hơn. Các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo trung ương sẽ cùng làm việc với các thành phố để tháo gỡ những vướng mắc.
Để tăng cường minh bạch thông tin, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương đưa thông tin nhà ở lên webside. Dự án này làm đến đâu, phá giá bao nhiêu… để người mua đến với doanh nghiệp.