Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông - như một thứ “thảm họa” đang tiến dần tới mà không có cách nào thoát được.

Chiều 20.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Nghị định thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Phát biểu tại phiên họp này, Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: 5 năm trước TP.Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, di dân tự do của Hà Nội trung bình vẫn 1,4%, năm nay di dân tăng 1,9%.

"Hôm trước tôi có báo cáo Bộ Chính trị là Hà Nội đang nhìn thấy "thảm hoạ" tiến dần phía mình mà không biết làm cách nào chạy thoát. Tuy vậy, Hà Nội cũng đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm để giải quyết vấn đề giao thông" - Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết.

Cũng theo Bí thư Hà Nội, lâu nay dư luận phê phán xây nhà cao tầng ở Hà Nội, nhưng theo chiến lược nếu không xây nhà cao tầng thì sẽ không có đất cho dân ở. “Chiến lược nhà ở quy định phải bố trí lên ở nhà cao tầng, vì không có đất, mật độ dân cư đã quá cao. Giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông ở các khu vực nhà cao tầng chính là nhờ hệ thống giao thông tàu điện ngầm”, Bí thư Hoàng Trung Hải khẳng định.

Theo Bí thư Hải, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với 300km, nhưng đến nay vẫn chưa làm được km nào.

Về phương tiện công cộng khác với 100 tuyến xe buýt hiện nay thì có 73 tuyến phải trợ giá, mở ra 53 tuyến xe buýt trong thời gian tới phải tăng cường trợ giá vì người dân không đi.

Bí thư Hải cũng bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho rằng Hà Nội cần được xem xét, đánh giá và có những giải pháp thật sự đặc thù.

"Mỗi lần Hà Nội có sự kiện quan trọng thì điều đầu tiên lo lắng chính là vấn nạn ùn tắc giao thông. Những bức xúc giao thông nếu không được giải quyết rất dễ trở thành vấn đề chính trị" - Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết.

Bí thư Hà Nội cũng đánh giá, nếu ban hành Nghị định không có cơ chế gì hơn để ưu đãi cho Thủ đô thì tốt nhất không nên ban hành.

"Tuy nhiên tôi thấy Nghị định này vẫn có thể tạo ra một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho Hà Nội phát triển. Về đề nghị điều chỉnh mức chi thường xuyên, chi đầu tư, chúng tôi đã đề nghị 200 điểm, nếu các đồng chí không cho thì cho 180 điểm cũng tốt" - Bí thư Hải bày tỏ.

Vẫn theo ông Hoàng Trung Hải, những dự án quan trọng mang tính chiến lược vượt tầm Hà Nội thì phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua.

"Nếu Quốc hội không duyệt những dự án giao thông lớn thì Hà Nội không cách gì thoát khỏi "thảm họa" mà tôi vừa báo cáo. Một loạt dự án được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị, trong đó có 8 tuyến tàu điện ngầm, mỗi tuyến khoảng 2 tỷ USD, hay các dự án trong báo cáo trước đây với tổng đầu tư lên tới 181.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội. Quốc hội xem, duyệt cho dự án danh mục nào thì triển khai danh mục đó”, ông Hải khẳng định.

Sau khi nghe Bí thư Thành ủy Hà Nội trình bày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngân sách T.Ư hiện hết sức khó khăn, do đó đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định phải bám sát Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 Luật Thủ đô để giúp Hà Nội có lợi thế phát triển hơn.

Lương Kết (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.