Không có chuyện cho thuê quá tải
Trao đổi với các doanh nghiệp (DN) xây dựng và đơn vị quản lý, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đặt câu hỏi: "Có thông tin phòng ở bị quá tải, vì phòng thiết kế cho 10 công nhân mà ở đến 20 người. Mặt khác, nhà ở cho công nhân đang rất thiếu, vậy tại sao lại thừa nhà, tại sao công nhân không thuê?" Ông Bùi Minh Tuân - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội - đơn vị đang trực tiếp vận hành, quản lý khu nhà ở công nhân khẳng định, không có chuyện cho thuê nhà vượt quá công suất. Hiện 6 đơn nguyên nhà lô N06 phục vụ cho 2.800 công nhân được cho thuê theo đúng thiết kế, bình quân 7,8m2 sử dụng. Hầu như các đơn vị thuê nhà vẫn trả đủ tiền nhà nhưng vẫn tự giảm tải, 18 người ở thay vì 24 người. Bất cập là chỉ có một đường ống nước, phục vụ cho 2.800 công nhân gây nên sự quá tải. Cũng có một bộ phận công nhân có ý kiến cho rằng việc quản lý tại khu ở quá chặt. Ông Tuân cho biết, theo nội quy, quy chế của tòa nhà, thời gian về căn hộ là 22 giờ, tuy có gò bó về thời gian nhưng đảm bảo được quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (giữa) tại buổi kiểm tra. Ảnh: Phạm Hùng |
Liên quan đến việc vận hành quản lý khu nhà ở công nhân, ông Tuân cho biết còn một số hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện. Hệ thống đèn cao áp trên 2 tuyến đường chính trong khu nhà ở chưa được đấu nối, có đèn mà đèn không sáng. Xí nghiệp đã nhiều lần đề nghị huyện Đông Anh sớm duy tu, đưa vào đấu nối. Mong muốn của Xí nghiệp là có sự phối hợp chặt chẽ của hai DN xây dựng là Công ty Vinaconex 6 và Công ty Đầu tư Xây dựng Hà Nội (HANCIC) trong xử lý, khắc phục sự cố, tránh để công nhân bức xúc.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đánh giá, qua kiểm tra, mô hình nhà ở cho công nhân thuê ở Kim Chung là thành công. Tuy nhiên, các DN cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình. Hiện cả Vinaconex 6 và HANCIC đều làm chưa hết trách nhiệm, để xảy ra một số vấn đề tuy không lớn nhưng gây bức xúc. Xí nghiệp quản lý cũng cần rút kinh nghiệm để vận hành tốt hơn, chủ động hơn trong việc bảo trì các hạng mục có sự cố, hư hỏng.
Doanh nghiệp chưa làm hết trách nhiệm
Tổng Giám đốc HANCIC Nguyễn Viết Trường cho biết, trong các phần việc được giao, tuyến đường CD chưa hoàn thành do còn 305m chưa GPMB. HANCIC cũng được giao làm công trình nhà trẻ từ tháng 5/2014. Đến nay đã thẩm định xong dự án, cuối tháng 8 sẽ trình Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, dự kiến tháng 10 sẽ khởi công và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2015. Về phía Vinaconex 6, đơn vị được giao quản lý lô đất CC (xây dựng nhà trẻ và mẫu giáo), tuy nhiên trên thực tế khu vực này đã bị nhiều hộ dân tái lấn chiếm làm hàng quán.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Trâm cho biết, huyện được giao quản lý 2 tuyến, trong quá trình bàn giao trước đây chưa được hoàn thiện, khi tiếp nhận không được vận hành đồng bộ, chiếu sáng, tiêu thoát nước. Cần làm rõ các tồn tại để khi huyện tiếp nhận còn làm tiếp. Việc hạ tầng thiếu đồng bộ, không chỉ ảnh hưởng đến khu ở công nhân mà cả khu dân cư xung quanh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Đông Anh và các DN đưa ra mốc thời gian cụ thể cho từng công việc. TP sẽ kiểm tra việc thực hiện các cam kết của DN về bảo trì, lấp đầy hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng thời cũng có chế tài để kiểm soát, xử lý các DN không thực hiện đúng cam kết. Các công trình hạ tầng cần được thực hiện sớm. GPMB lều lán khu vực thoát nước, khu công cộng bị tái lấn chiếm cũng cần thực hiện khẩn trương. Trong tháng 8, hệ thống chiếu sáng trên hai trục đường chính phải sáng đèn, đây là trách nhiệm của huyện Đông Anh.
Liên quan đến trách nhiệm bảo hành, bảo trì việc chống thấm dột tại các tòa nhà, Vinaconex 6 đã cam kết ngày 30/8 hoàn thành, tương tự với HANCIC là ngày 15/9. Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc các DN thực hiện đúng. Về vốn, Sở KH&ĐT phải bố trí vốn kịp thời cho cầu vượt, nhà văn hóa, đặc biệt là nhà trẻ phải được khởi công đúng tiến độ vào tháng 10. Phó Chủ tịch lưu ý, xây dựng khu nhà ở công nhân là sự quan tâm của Nhà nước, của TP đến công nhân, tạo sự hỗ trợ với các DN sản xuất. Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thực hiện tốt các hạng mục đầu tư, công tác vận hành, quản lý để phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Khu công nghiệp đã hoạt động đến 15 năm bởi vậy đã có nhiều hộ gia đình. Sơ bộ có 800-1.200 cháu nhỏ con em của cán bộ, công nhân viên. Cần có cơ chế để thay đổi công năng của các nhà để các hộ gia đình vào thuê thì mới phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, hiện thu nhập của một bộ phận công nhân có đủ để mua nhà trả góp, do đó TP nên có cơ chế bán để công nhân mua theo dạng nhà thu nhập thấp, tạo sự gắn bó cho công nhân với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Lĩnh Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp chế xuất Hà Nội |