Trong khi tại các khu chung cư, giá các loại phí đang "loạn cào cào" thì có một đơn vị mang tên: "HTX nhà ở Thụy Điển" hoạt động rất hiệu quả. 192 hộ dân mà HTX này quản lý chỉ phải nộp phí dịch vụ chung cư với mức thấp nhất Hà Nội nhưng lại có chất lượng cao mà còn giúp người dân ở đây có công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập. Mỗi một căn hộ ở đây chỉ phải nộp phí dịch vụ chung cư với mức 30.000 đồng mỗi tháng - một mức phí dịch vụ gần như chỉ mang tính tượng trưng trong thời
Từ một nhà tái định cư xuống cấp

Chung cư cao tầng 17T10 trên đường Nguyễn Thị Định, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính là tòa nhà được dành toàn bộ để tái định cư cho 192 hộ dân phải di dời khi Hà Nội giải phóng mặt bằng để mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở và xây dựng cầu vượt. Sau khi hoàn thiện, tòa nhà này được bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (QL&PTN) quản lý và khai thác dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa nhà chung cư này gần như bị bỏ mặc, chất lượng nhà xuống cấp, đời sống của những cư dân tái định cư khổ cực nhiều bề.
Phí dịch vụ chung cư - chuyện chưa bao giờ cũ Bài 2: Điểm sáng giữa thời... loạn phí
Căng tin tự phục vụ của HTX nhà ở Thụy Điển (nhà 17T10, Trung Hòa, Nhân Chính).

Ông Nguyễn Duy Cường đang ở phòng 10 tầng 11 kể lại, những ngày đầu khi gia đình ông cùng các hộ dân Ngã Tư Sở lên đây, nhà 17T10 như là một chung cư bỏ trống. "Ai ra, ai vào cũng được, an ninh trật tự không bảo đảm, cầu thang máy thì bị hỏng liên tục, thậm chí đã có em bé bị ngất vì bị nhốt trong thang máy, bóng đèn thì bị cháy, trần nhà bị bong, tường nhà bị rộp, nền nhà lún nứt, cấp nước hỏng, hệ thống thoát nước thải cũng hỏng… Ngày mới đến chúng tôi cực khổ đủ đường!", ông Cường nói. Người dân đã nhiều lần yêu cầu đơn vị quản lý đến sửa chữa những hỏng hóc nhưng thường là nhận được sự im lặng hoặc nếu có sửa chữa thì rất chậm. Ông Cường bức xúc: "Chúng tôi tuân thủ chủ trương của nhà nước, hy sinh nhà cửa, mất cả kế sinh nhai để giải phóng mặt bằng xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở. Nhưng khi dọn đến đây, gia đình tôi chịu quá nhiều thiệt thòi". Những bức xúc của ông Cường cũng là những bức xúc của gần 1.000 người dân từ Ngã Tư Sở chuyển về 17T10. Không chỉ vậy, trong khi người dân mới chuyển đến vẫn phải đóng phí dịch vụ cho Công ty QL&PTN và toàn bộ diện tích tầng 1 đã được công ty này cho người nơi khác thuê với giá rẻ, còn tầng hầm công ty dùng để kinh doanh trông giữ xe.

Đến giữa năm 2006, trước thực trạng chất lượng nhà xuống cấp nghiêm trọng mà không thấy bóng dáng của đơn vị quản lý đâu, người dân đã nhiều lần kêu gọi Công ty QL&PTN tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban Quản trị (BQT) tòa nhà nhằm tìm hướng giải quyết những vấn đề làm người dân bức xúc. Tuy nhiên, "nay họ lấy lý do này, mai họ lấy lý do khác để không thực hiện yêu cầu chính đáng của người dân", ông Phạm Đình Thái trú tại phòng 2 tầng 9 nói. Theo Luật Nhà ở 2005, sau một năm đi vào hoạt động và có hơn 50% dân đến ở thì phải thành lập BQT để điều hành tòa nhà chung cư. Ông Thái nhớ lại, khi thấy không thể trông chờ đơn vị quản lý đứng ra tổ chức hội nghị, cư dân 17T10 đã đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư và mời họ xuống để tham gia nhưng họ không xuống. Do đó, BQT do dân bầu ra gồm tổ trưởng, tổ phó, đại diện chi bộ, đại diện cựu chiến binh… phải gắn thêm hai chữ "lâm thời" vào đằng sau cho hợp lý.


Gian nan tìm lối thoát

Tình trạng BQT lâm thời vẫn tồn tại từ đó (2006) cho đến nay (2011). Duy nhất có một lần vào cuối năm 2008, Công ty QL&PTN đã đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng đến khi hội nghị diễn ra công ty này không có ai tham gia cho dù chính công ty phát giấy mời dân tới dự.


Theo quy định của pháp luật, BQT không được khai thác, vận hành tòa nhà, tổ dân phố cũng không được tham gia vận hành tòa nhà mà chỉ có quyền giám sát. Việc quản lý, vận hành tòa nhà phải thuộc một đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và chức năng. Ông Phạm Đình Thái phân tích, cho đến cuối năm 2007, những vấn đề tồn tại xung quanh tòa nhà 17T10 vẫn chưa có hướng giải quyết, đơn vị được giao quản lý thì vô trách nhiệm, đại diện của nhân dân muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thì lại không có quyền vận hành, khai thác tòa nhà.


Trong lúc BQT lâm thời của 17T10 đang loay hoay tìm lối thoát, may mắn là cuối năm 2007, Đề án HTX nhà ở quản lý nhà chung cư cao tầng theo mô hình Thụy Điển do Liên minh HTX Việt Nam và Liên đoàn HTX nhà ở Vương quốc Thụy Điển phối hợp nghiên cứu đã quyết định chọn nhà 17T10 để thực hiện thí điểm. Đầu năm 2008, UBND quận Cầu Giấy đã cấp giấy phép kinh doanh cho HTX nhà ở Thụy Điển với những tiêu chí do Liên minh HTX Việt Nam và Liên đoàn HTX nhà ở Vương quốc Thụy Điển vận dụng luật pháp, thực tế ở Việt Nam.


Ông Phạm Đình Thái cho biết, HTX này bao gồm BQT lâm thời, tổ dân phố phối hợp điều hành. Hiện tại, ông Tổ trưởng tổ dân phố vừa là Trưởng BQT lâm thời vừa là Chủ nhiệm HTX, hai ông tổ phó cũng vừa là phó BQT lâm thời cũng kiêm chức vụ Phó Chủ nhiệm HTX. Ông Phạm Đình Thái chính là một trong hai vị Phó Chủ nhiệm HTX nhà ở Thụy Điển. "Hiện nay, mọi việc liên quan đến tòa nhà 17T10 đều do cái ông "ba trong một" này tổ chức, điều hành", ông Thái nói hài hước, "Từ kinh doanh trông giữ xe, ăn uống, trông giữ trẻ, đến ma chay, cưới hỏi, quảng cáo, rửa và sửa chữa xe…". Vì mô hình HTX nhà ở mô hình đầu tiên được triển khai ở Hà Nội cũng như trên toàn quốc nên các chuyên gia Thụy Điển và chuyên gia của Liên minh HTX Việt Nam đã tư vấn cặn kẽ cho Ban chủ nhiệm HTX.


Mô hình mới, dân hưởng lợi

Ông Nguyễn Duy Cường hiện đang ở tại phòng 10 tầng 11 vui vẻ nói: "Cái HTX này cũng hay lắm! Nó giúp bản thân tôi cùng nhiều người ở đây có công ăn việc làm, vừa để khuây khỏa vừa có thu nhập để duy trì cuộc sống". Giống như nhiều người khác, trước khi chuyển về 17T10, ông Cường ở số nhà 76 Đường Láng - Ngã Tư Sở cùng gia đình kiếm sống bằng cửa hàng phở. Sau khi gia đình ông Cường chuyển về 17T10 do Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng Ngã Tư Sở và xây cầu vượt, ông Cường không còn kế sinh nhai. Đến khi HTX nhà ở Thụy Điển thành lập tổ bảo vệ đồng thời kinh doanh trông giữ xe, ông Cường mới có việc làm với thu nhập hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Tổ bảo vệ và trông giữ xe có 10 lao động như ông Cường mỗi tháng nộp lại cho HTX khoảng 8 triệu đồng. Đến nay, HTX đã lo được việc làm và thu nhập ổn định cho 20 người, và khoảng 20 người tham gia làm việc thời vụ.


HTX nhà ở Thụy Điển hoạt động không những giúp 192 hộ dân ở đây chỉ phải nộp phí dịch vụ chung cư với mức thấp nhất Hà Nội nhưng lại có chất lượng cao mà còn giúp người dân ở đây có công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập. Mỗi căn hộ ở 17T10 chỉ phải nộp phí dịch vụ chung cư ở mức 30.000 đồng mỗi tháng. Sở dĩ người dân chỉ phải nộp một mức phí dịch vụ mang tính tượng trưng là vì mọi phí tổn liên quan đến tòa nhà đều được HTX tự trang trải bằng tiền lãi thu được từ những dịch vụ trông giữ xe, trông giữ trẻ em, ăn uống, quảng cáo (bằng màn hình điện tử và tranh điện), các dịch vụ ngân hàng, quản lý truyền hình cáp, rửa và sửa chữa xe, đội ô tô vận tải chuyên chuyển đồ đạc… HTX đã dùng tiền lãi thuê hẳn chính hãng sản xuất thang máy đang hoạt động ở tòa nhà thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ nên không còn hiện tượng thang máy nhốt người như trước đây. HTX cũng thuê hẳn một đơn vị vệ sinh chuyên nghiệp để quét dọn, lau chùi và thu nhặt rác. HTX đã sửa chữa toàn bộ những thiết bị hỏng hóc công cộng, mua sắm những trang thiết bị cần thiết cho tòa nhà như máy quay tự động, vi tính, loa đài, âm ly, bàn bóng bàn… có trị giá hàng trăm triệu đồng đều bằng tiền do HTX làm ra. Không những thế, HTX còn có chế độ bồi dưỡng cho từng hộ mỗi khi có người ốm đau, những gia đình có đám hiếu, đám hỉ hoặc vào dịp Tết Nguyên đán, cho trẻ em vào dịp Trung thu và 1-6. Hằng năm, các hội người cao tuổi, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đều được HTX hỗ trợ tiền đi tham quan, nghỉ mát.


Ông Phạm Đình Thái, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, hằng năm HTX phải báo cáo công khai tài chính đầy đủ trước toàn thể dân cư của tòa nhà. Tuy nhiên, còn một vấn đề vẫn khiến dân cư ở 17T10 bức xúc là khoản thu lớn nhất, khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm từ cho thuê diện tích tầng 1 thì không biết Công ty QL&PTN dùng vào việc gì. Ông Thái khẳng định, từ năm 2006 đến nay cư dân 17T10 vẫn chưa nhận được một đồng nào từ Công ty QL&PTN để chi trả cho những hỏng hóc nhỏ của tòa nhà như bóng đèn cháy, cầu thang hỏng, điện mất… "Người dân ở đây nhất trí yêu cầu công ty phải có trách nhiệm sửa chữa những hỏng hóc lớn của tòa nhà bởi vì chính công ty đã nắm giữ khoản thu lớn nhất từ diện tích cho thuê tầng 1 của tòa nhà 17T10 từ nhiều năm nay", ông Thái nói.
  • Phí dịch vụ chung cư - chuyện chưa bao giờ cũ

    Phí dịch vụ chung cư - chuyện chưa bao giờ cũ

    Những năm gần đây, bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi chóng mặt với hàng trăm tòa nhà cao tầng mọc lên từ nội đô đến ngoại thành, gây một áp lực rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, điện, vệ sinh môi trường…

Theo Đức Trường (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.