Bài 1: Từ đối tác thành đối thủ
Trong số những vụ việc điển hình, mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư (CĐT) tòa nhà Keangnam xung quanh mức phí "trên trời" của các dịch vụ trong tòa nhà này đang nóng lên từng ngày. Dư luận đang quan tâm, theo dõi những diễn biến của vụ kiện cáo. Vậy là, đang từ quan hệ đối tác, chỉ vì thiếu những thỏa thuận mang tính pháp lý rõ ràng từ trước, sự giằng co đẩy lên, kéo xuống đã khiến người dân và CĐT trở thành những... đối thủ của nhau.
Keangnam - Ở chưa ấm chỗ đã nóng vì... bức xúc
Để tìm hiểu những bức xúc của cư dân Keangnam, tôi hẹn gặp ông Trần Xuân Trạch đang sống tại căn hộ A1609, tầng 16 nhà A Keangnam, Mễ Trì, Từ Liêm. Sau khi đưa xe máy vào nhà để xe, tôi sững người khi cầm chiếc vé xe ghi đầy đủ biển số xe với mức giá 20.000 đồng/xe. Qua một lần cửa tự động, gặp một nữ lễ tân, sau khi khai báo họ tên, trả lời câu hỏi đến gặp ai, ở phòng bao nhiêu và phải để lại một bằng lái xe máy, tôi được cô lễ tân đưa qua một lần cửa tự động nữa, rồi vào thang máy đã được ấn số tầng 16. Nhiều lớp cửa như thế hẳn là an ninh ở đây phải tốt lắm!?
|
Phí dịch vụ tại KĐT The Manor quá cao gây bức xúc cho người dân. Ảnh: Việt Hùng |
Mới bước vào nhà, ông Trạch đã than
phiền với tôi về chất lượng nhà mà ông phải mua với giá 3.000 USD/m2 là
không giống như hứa hẹn. Dẫn tôi đi quanh căn phòng 160m2 có tổng giá
trị lên tới 9,2 tỷ đồng, ông Trạch chỉ rõ các lỗi xây dựng. Đây là sàn
phòng ngủ nhỏ, trong quảng cáo ghi là lát bằng gỗ thịt nhưng thực tế là
chỉ lát gỗ phía trên còn ở dưới là gỗ ép. Này là cửa ngăn phòng khách
với phòng ngủ lớn không đúng chủng loại cam kết và đã hỏng. "Cái cửa này
tôi đã yêu cầu thay nhiều lần nhưng phải đến khi tôi làm um lên thì họ
mới cho thay cửa khác", ông Trạch nói. Bây giờ còn nhiều nhà yêu cầu CĐT
(Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina) thay nhưng họ cứ lờ đi.
Vào phòng tắm, ông Trạch lấy tay gõ lên tường rồi bảo: "Họ chỉ lát đá
bên ngoài còn bên trong là tường thạch cao. Nước mà ngấm vào thì tường
thạch cao sao chịu nổi?". Có vẻ như CĐT của tòa nhà Keangnam đã cố tình
"treo đầu dê, bán thịt chó"?
Như thế nào đã hết. Mới dọn về ở từ giữa tháng 5-2011, đến nay sau hơn 3
tháng sống trong căn hộ được quảng cáo có chất lượng "năm sao", ông
Trạch phải chịu hết bức xúc này đến bức xúc khác. Chất lượng nhà thì
không như cam kết, phải nộp hết tiền mới được giao chìa khóa rồi dẫn lên
nhận nhà. Sau đó, CĐT lại áp đặt cư dân trả mức phí dịch vụ chung cư
quá cao (0,99 USD/m2 tương đương 21.000 đồng/m2) và đòi thu luôn 3 tháng
liền, nếu chậm nộp tiền hoặc nộp không đủ thì sẽ không giao chìa khóa
nhà… Những bức xúc của ông Trạch cũng là những bức xúc chung của hàng
trăm hộ dân đang ở trong tòa nhà "năm sao" với nhiều hạng mục chưa hoàn
thành này.
Ngay khi nhận thấy những điều vô lý ở tòa nhà này, cư dân Keangnam đã
họp và thành lập Ban đại diện lâm thời (ĐDLT) để đưa ra những kiến nghị.
Tuy nhiên, CĐT có thái độ hợp tác không tích cực, tìm cách lảng tránh
những điểm kiến nghị cốt yếu. Để tiếp tục đấu tranh với CĐT, tập thể cư
dân Keangnam đã nhờ đến Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự
(BQH&Associates).
Ép quá, sinh ra khiếu nại
Ngày 13-6, đại diện cho các chủ sở hữu căn hộ tại tòa nhà Keangnam Hà
Nội Landmark Towers, BQH& Associates đã gửi một văn bản khiếu nại
đến ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty Keangnam-Vina. Văn bản khiếu nại
này đề nghị CĐT giải quyết những yêu cầu chính của các cư dân tại tòa
nhà Keangnam: phí trông giữ phương tiện (gồm ô tô, xe máy) vượt quá mức
mà UBND TP Hà Nội quy định; phí quản lý chung cư (0,99 USD/m2) quá cao
so với mức phí hiện hành được áp dụng tại các chung cư cao cấp trong
trung tâm Hà Nội; thời hạn bắt đầu thu phí quản lý khi chung cư chưa đi
vào hoạt động chính thức là vô lý; chênh lệch giá trị thanh toán do
chênh lệch tỷ giá.
|
Kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Ảnh: Phương Thanh |
Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của
UBND TP Hà Nội vào kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính vì lỗi
thu phí xe ô tô cao hơn quy định của UBND TP, CĐT đã giảm giá trông giữ
xe của cư dân Keangnam xuống bằng mức giá quy định nhưng lại chỉ áp dụng
từ ngày 26-7 khi Sở Tài chính có công văn thẩm định phí trông giữ
phương tiện tại tầng hầm của tòa nhà. Không những thế, CĐT lại tăng giá
trông giữ xe máy, ô tô của khách đến Keangnam lên mức 20.000 đồng/1 lượt
xe máy và 30.000 đồng/1 xe ô tô trong 2 giờ, quá 2 giờ thì tính lũy
tiến. Ông Trần Xuân Trạch phàn nàn, nếu tôi cứ ở đây thì dần mất hết họ
hàng, bạn bè. Ông Trạch phân tích: "Ra, vào nhà đã khó, gửi xe máy lại
mất đến 20.000 đồng một lượt, mỗi tháng người ta phát cho 15 phiếu giảm
giá cho xe máy nghĩa là nếu có hơn 15 lượt xe tới thăm hỏi tôi thì khách
phải trả tới 20.000 đồng một xe máy. Giá trông ô tô tính lũy tiến như
thế thì chỉ cần khách ngủ lại một đêm cũng mất đến mấy trăm nghìn đồng".
Ông Trạch cho biết thêm, mặc dù mức phí quản lý đưa ra cao ngất như thế
nhưng an ninh không bảo đảm, cửa phòng A1610 ngay cạnh vẫn bị cạy, con
gái ông vẫn mất máy tính khi quên không khóa cửa xe ô tô và chất lượng
các dịch vụ từ vệ sinh, bảo vệ và lễ tân cũng không tương xứng vì CĐT
lại thuê những người không chuyên nghiệp. Đó là chưa kể hệ thống thang
máy được giới thiệu là hiện đại nhất Việt Nam nhưng chỉ riêng bản thân
ông Trạch cũng đã bị nhốt hai lần trong cầu thang máy…
Theo bà Trịnh Thúy Mai, Trưởng ban ĐDLT cư dân Keangnam, mặc dù cư dân
đã nhiều lần yêu cầu CĐT gặp gỡ để giải tỏa những mâu thuẫn nhưng ông Ha
Jong Suk, Chủ tịch Công ty Keangnam-Vina liên tục trì hoãn với lý do
bận việc. Gần đây nhất, ngày 11-8, sau nhiều lần trì hoãn, ông Ha đã có
cuộc làm việc chính thức với Ban ĐDLT của cư dân kéo dài từ 17 giờ 30
đến 23 giờ tại văn phòng Chestnut, tầng 1 nhà B. Bà Mai cho biết, tất cả
những điểm quan trọng nhất để cư dân có thể chấp nhận mức phí quản lý
cao bằng Golden West Lake đều bị phía Keangnam kiên quyết từ chối. Cụ
thể, những tiện ích công cộng như phòng đọc, phòng bóng bàn, bi-a, sân
tennis, bể bơi sẽ giữ nguyên vì tòa nhà Keangnam không còn diện tích
trống. Việc miễn phí hoàn toàn bể bơi và phòng tập cũng không được xem
xét mà Keangnam chỉ có thể áp dụng giá dịch vụ ưu đãi với cư dân của tòa
nhà. Vì những yêu cầu của cư dân về các tiện ích công cộng không được
CĐT đáp ứng, Ban ĐDLT đã chính thức từ chối chấp nhận mức phí quản lý
18.600 đồng/m2 do CĐT đưa ra (sau khi giảm xuống từ 21.000 đồng/m2).
"Do những thắc mắc chính chưa được CĐT giải trình thỏa đáng và những yêu
cầu cốt yếu của cư dân Keangnam chưa được đáp ứng, chúng tôi sẽ tiếp
tục đấu tranh", bà Mai khẳng định.
The Manor - Mâu thuẫn kéo dài 4 năm
Nếu như những mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT ở Keangnam đang lên đến đỉnh
điểm, những mâu thuẫn giữa cư dân đang sống ở The Manor với CĐT là Công
ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) lại vẫn
tồn tại kể từ 4 năm nay.
Bà Nguyễn Nhung Hạnh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 The Manor và Villas (xã
Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm) cho biết, qua 4 năm, nhìn bề ngoài có vẻ êm êm
nhưng những mâu thuẫn chính giữa cư dân The Manor với BITEXCO vẫn còn
tồn tại. Thứ nhất, trong khi cư dân coi tầng hầm của The Manor thuộc sở
hữu chung thì CĐT lại khăng khăng thuộc sở hữu riêng của CĐT nhưng không
đưa ra được chứng cứ cụ thể để chứng minh. Thứ hai, người dân đã về
sống ở The Manor được 4 năm nhưng CĐT cố tình không đứng ra tổ chức họp
và thành lập ban quản trị nhà chung cư (viết tắt BQT) theo quy định của
pháp luật. Thứ ba, đã 4 năm trôi qua mà người dân ở The Manor vẫn chưa
được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ đỏ) trong khi hợp đồng
mua căn hộ nêu rõ CĐT có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục pháp lý để
bên mua nhận được sổ đỏ trong vòng 4 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục
hoàn công của The Manor. Bà Hạnh nhấn mạnh, chính vì 3 điểm mấu chốt
này chưa được giải quyết nên phí dịch vụ quản lý của The Manor vẫn do
CĐT quyết định.
"Năm 2007, CĐT đưa ra giá dịch vụ chung cư cao ngất như để nắn gân người
dân. Năm 2008, cư dân The Manor thành lập Ban ĐDLT và đã tự tính giá
dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 trong khi CĐT đưa ra giá 6.600 đồng/m2…",
bà Hạnh cho biết. Hai năm 2009-2010, CĐT đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng
người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, bà Hạnh đã họp tổ
dân phố và đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2 và người dân đã nộp
đủ tiền cho 6 tháng đầu năm.
Trong 4 năm qua, cuộc "đấu tranh" của cư dân The Manor với BITEXCO vẫn
không hề ngừng nghỉ. Người dân đã yêu cầu chính quyền xã cho thành lập
tổ dân phố để có thể gửi công văn, đơn kiến nghị cho đúng thủ tục. Người
dân đã nhiều lần đề nghị CĐT họp với dân và bầu ra BQT để bảo đảm quyền
lợi cho cả hai bên nhưng CĐT cố tình không tổ chức. "Thực tế là chúng
tôi không chê giá dịch vụ đắt miễn là các dịch vụ có chất lượng tương
xứng", bà Hạnh nói. Đến năm 2010, CĐT vẫn chưa cho nước vào bể bơi. Năm
nay, người dân ở đây đấu tranh bằng được để vận hành 3 bể bơi.
Trong khi mâu thuẫn cũ vẫn chưa được giải quyết thì mâu thuẫn mới đã nảy
sinh. Mới đây, CĐT có động thái làm sổ đỏ cho cư dân. Người dân chưa
kịp vui khi đọc thông báo này đã kịp bức xúc về những nội dung trong đó.
Ngày 30-6, CĐT đưa thông báo tới dân và yêu cầu phải nộp hồ sơ vào ngày
12-7, nghĩa là người dân chỉ có 12 ngày để chuẩn bị hồ sơ. Cũng trong
thông báo này, CĐT yêu cầu cư dân phải nộp lệ phí trước bạ 0,5% tính
theo tỷ giá USD hiện tại mà không phải là giá quy đổi lúc mua nhà theo
hợp đồng đã ký… Bà Hạnh mang những thắc mắc của mình lên hỏi Văn phòng
Đăng ký đất đai tại số 10 Đặng Dung thì được biết CĐT chưa hề hoàn thành
5 thủ tục cần thiết đối với cơ quan có thẩm quyền mà đã đòi hỏi cư dân
phải làm thủ tục.
Và cứ thế những mâu thuẫn mới lại tiếp nối những mâu thuẫn cũ. Đến nay,
cư dân của chung cư: The Manor, Keangnam, Sky City, Golden West Lake, 93
Lò Đúc và 101 Láng Hạ đã gửi một bản kiến nghị tới các cấp, các ngành
liên quan.