- Đời các chú lão không dám chắc, nhưng đời lão thì chắc là cây đa vẫn còn.
- Cụ nắm được quy hoạch tầm nhìn 2030?
- Lão chưa chắc mình còn ngồi đây đến 20 năm nữa, cũng chẳng có quy hoạch quy hiếc nào người ta báo cho lão hay. Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế dăm bảy năm nay cho thấy các nhà đầu tư đã mỏi. Nhiều quy hoạch “đuổi” dân đi nhưng vẫn cho bò vào gặm cỏ. Cái cũ còn để đấy, sức mấy mà làm cái mới.
- Huyện mình có mấy dự án “treo” rách bươm cả bản đồ tranh vẽ mà chưa thấy nhà máy, công ty đâu.
- Đồng đất quê mình nhỏ lẻ, ăn nhằm gì với những cánh đồng cò bay mỏi cánh ở Nam Bộ. Vừa có cuộc kiểm kê 13 tỉnh chuyên canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có tới 74 khu công nghiệp nằm gọn giữa vùng lúa 3 vụ, chiếm tới 23.900ha ruộng màu mỡ. Nhưng mới có 43 chủ đầu tư làm hạ tầng để cho thuê (9.507ha, chiếm 39% diện tích) mới là hạ tầng thôi, nhà máy còn lẻ tẻ lắm.
- Số lớn còn lại thì sao?
- Để hoang hóa, trong khi dân thiếu đất trồng lúa. Chỉ đơn cử xã An Lạc Thôn (Sóc Trăng) có dự án KCN bỏ hoang tới 240ha, mỗi năm dân xã mất 200.000 giạ lúa từ KCN này. Xã đông tới 3 vạn dân, bà con tranh thủ đất hoang vào tận dụng gieo trồng, cũng kiếm thêm khá.
- Như thế gọi là làm nông trên đất công nghiệp.
- Gọi thế cho vui thôi, ở Hậu Giang có KCN đóng tàu lấy 600ha đất ruộng, đầu tư 60.000 tỷ, sử dụng 20.000 lao động địa phương, dự kiến năm 2008 xuất xưởng tàu 20.000 tấn, nhưng đến nay vẫn im như thóc.
- Công ty gì mà đầu voi đuôi thằn lằn vậy?
- Vinashin.
- Thế thì chào thua ông “khủng long” này rồi!
- Chưa bằng Nhà máy Giấy Lee&Man ở Châu Thành, Hậu Giang, quy mô lớn nhất VN, đầu tư 1,2 tỷ USD, có 6.000 công nhân, nhưng từ năm 2007 đến nay không có động tĩnh gì, đã thế còn rào 82ha đất lại, bà con hết đường vào tranh thủ canh tác.
- Theo cụ tình hình này còn lâu không? Nếu lâu ta kiến nghị trên cho tạm sử dụng, lúc nào khu công nghiệp đòi trả ngay. Nếu họ cho thuê đất giá ưu đãi cũng chơi, hai bên cùng có lợi, đỡ mất tiền thuê bảo vệ. Đất đai là vàng mà cứ để “hóa bùn” thế, phí của giời!