Trong suốt 36 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, một trong những vấn đề luôn được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7), TP Hồ Chí Minh.Ảnh :Kim Phương (TTXVN)

Phá thế dồn nén

Cơ sở hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh được tiếp quản từ sau ngày giải phóng là hệ quả của sự mất cân đối giữa dân cư quá đông và hệ thống giao thông yếu kém. Hệ thống này được xây dựng dưới thời Pháp thuộc từ năm 1863 và chỉ để phục vụ cho khoảng 500 nghìn dân. Hơn 100 năm dưới thời thực dân Pháp và chế độ Mỹ - ngụy, mặc dù có một số công trình giao thông mới được xây thêm, nhưng do dân số cơ học tăng lên quá nhanh, Sài Gòn ngày càng rơi vào tình trạng phát triển tự phát với các vành đai dân cư bao quanh. Vì thế, hệ thống giao thông ở đây manh mún, cục bộ và ách tắc. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi quá trình đô thị hóa ở TP Hồ Chí Minh sau này diễn ra mạnh mẽ vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ 20.

Ðể phá thế bế tắc này, thành phố triển khai một loạt dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch ở nội đô như: Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 20... Một số tuyến đường được xây mới như: đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Cộng Hòa, đường Rừng Sác, đại lộ Ðông - Tây, đường Bắc - Nam, liên tỉnh lộ 25B... tạo thành một mạng lưới giao thông hướng tâm, xuyên tâm, xuyên suốt trong thành phố, đồng thời kết nối chặt chẽ với các tỉnh lân cận. Mấy năm gần đây, ngành giao thông thành phố đã và đang xây dựng một số tuyến đường cao tốc như: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang), TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Ðồng Nai) và đường vành đai 2 phía đông nối cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc...

Một loạt cây cầu được cải tạo, nâng cấp và xây mới trên các con sông và kênh rạch, phát huy hiệu quả của các tuyến đường. Ðáng kể nhất là những chiếc cầu: Sài Gòn, Bình Triệu 2, Thủ Thiêm, Phú Mỹ, Tân Thuận 2, Khánh Hội, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Ông Lãnh, Cam-mét, Chữ Y, Chà Và, Nguyễn Văn Trỗi, Rạch Chiếc, Hoàng Hoa Thám.

Kết nối thông thoáng với vùng chung quanh

Là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu vực Ðông - Nam Á, TP Hồ Chí Minh cần được quy hoạch cho một 'thành phố mở', ở đó hệ thống giao thông đô thị phải được kết nối thông thoáng với các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng (cảng biển, sân bay), gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QÐ-TTg, ban hành ngày 22-1-2007, hệ thống giao thông đường bộ khu vực TP Hồ Chí Minh bao gồm các đường hướng tâm, đối ngoại, đường vành đai, đường phố chính nội đô, hệ thống đường trên cao, các nút giao thông, các cầu lớn, hầm vượt sông và hệ thống bến - bãi đỗ xe. Ðiểm nhấn của hướng phát triển này là các đường hướng tâm đối ngoại với việc cải tạo, nâng cấp các quốc lộ 1A, 1K, 13, 22, xây mới các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn tại TP Hồ Chí Minh đi: Vũng Tàu - Dầu Giây - Ðà Lạt, Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Trung Lương - Cần Thơ, Nhơn Trạch cùng với các đường vành đai tăng dần bán kính 1, 2, 3, 4 kết nối các tuyến giao thông huyết mạch lại với nhau.

Hàng chục chiếc cầu mới được xây dựng trên các con sông: Sài Gòn (Phú Thuận, Bình Gởi, Phú Long, Tam Bình, Bình Lợi 1, 2, 3, Bình Qưới, Sài Gòn 2, Thủ Thiêm 2, 3, 4, hầm Thủ Thiêm); Nhà Bè (Bình Khánh), Lòng Tàu (Phước Khánh); Thị Vải (An Phước), Ðồng Nai (Thủ Biên, Hóa An 2, Long Thành, Nhơn Trạch) và trên các con kênh: Ðôi, Tẻ, Chợ Ðệm, các con rạch: Ông Lớn, Xóm Củi. Mạng lưới giao thông đường sắt cũng sẽ được tập trung xây dựng các tuyến TP Hồ Chí Minh đi: Biên Hòa, Vũng Tàu, Lộc Ninh sang Cam-pu-chia, Mỹ Tho, Cần Thơ. Tuyến TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang sẽ được xây mới với đường đôi cao tốc chạy bằng điện lưới. Ngoài ra, sẽ có thêm hai tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia với các cảng: Hiệp Phước, Cát Lái và các tuyến đường sắt hướng tâm: Trảng Bàng - Tân Thới Hiệp, Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ðể giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe, quy hoạch giao thông chú trọng xây dựng các phương tiện vận tải hành khách khối lượng lớn bao gồm sáu tuyến tàu điện ngầm đi các hướng và ba tuyến xe điện trên mặt đất.

Phát huy thế mạnh của vùng đất có nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhiều tuyến vận tải thủy liên tỉnh và vành đai nội đô cũng sẽ được khôi phục, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền từ TP Hồ Chí Minh đi: Cà Mau, Kiên Lương, Ðồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Bến Súc, Ðồng Nai, Vũng Tàu...

Về đường hàng không, ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố sẽ có thêm sân bay quốc tế Long Thành với quy mô tầm cỡ khu vực, đủ khả năng phục vụ đi lại cho hành khách trong tương lai.

Có thể nói, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã tạo cho thành phố một thế mở về các hướng, tạo điều kiện cho đô thị này phát triển ổn định, cân bằng, bền vững về lâu dài.

Tuy nhiên, theo dự kiến tổng quỹ đất dành cho quy hoạch này lên tới 12.331 ha, chiếm 17% diện tích đất đô thị với tổng số vốn đầu vào khoảng 410.540 tỷ đồng. Chưa bàn đến nguồn vốn huy động từ đâu nhưng chỉ riêng với tổng diện tích đất dành cho quy hoạch giao thông lớn như vậy thì chắc chắn thành phố sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Muốn vượt qua thử thách này, ngoài việc chính quyền và các nhà đầu tư cần có chính sách đền bù thích đáng, thì bản thân người dân cũng cần có ý thức tự giác, hợp tác với chính quyền vì một TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Theo Thành Nhân (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0