Thu hồi đất là việc làm tất yếu của quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn, nhưng cũng làm thay đổi không gian sống, mai một các làng nghề truyền thống và ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm, thu nhập của người dân.


Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, trong 8 năm tiếp theo, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sẽ giảm tới 30%. Images: Tuấn Anh

Những hệ lụy này đã được đặt ra tại ngày làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 9, Diễn đàn kinh tế và tài chính Việt - Pháp, diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội.
Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Sửu (Đại học Quốc gia Hà Nội), bức tranh thu hồi quyền sử dụng đất của cả nước trong gần hai thập kỷ qua cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có tác động rất lớn tới sự phát triển đô thị của Việt Nam. Ở Hà Nội, từ năm 2000 - 2010, đã có 10.000ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) chuyển đổi thành phi nông nghiệp, làm mất việc làm của 150.000 nông dân. Riêng tại hai xã Phú Diễn (Từ Liêm) và Gia Minh (Mê Linh), nếu như năm 2000, Phú Diễn có 147,7ha đất nông nghiệp, năm 2011, hơn 3/4 diện tích này đã bị thu hồi, chỉ còn dưới 40ha. Còn tại Gia Minh, năm 1996 có 129ha đất nông nghiệp, đến giữa năm 2011, hơn 70% diện tích này cũng bị thu hồi.

Cùng nhận định trên, ông Denis Sautier, thành viên của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CIRAD - CASRAD) nhận định, vào những năm 2000, đô thị hóa kéo theo việc mở rộng các khu phố ở trung tâm đã dẫn đến hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp tại Hà Nội bị thu hồi. Với tốc độ phát triển như vậy, từ nay đến năm 2020, trong phạm vi vành đai gần, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sẽ giảm tới 30%.

Việc thu hồi đất để phục vụ phát triển, nâng cao mức sống của người dân, nhưng họ lại bị phụ thuộc hơn vào thị trường. Hầu hết những sản phẩm phục vụ đời sống trước đây của nông dân sản xuất được, nay đã không làm ra được. Mặt khác, người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khác như khiếu kiện đòi tiền bồi thường đất, công ăn việc làm, tệ nạn…

Dựa vào đô thị để phát triển

Theo ông Jacob Christian, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Tài chính Việt - Pháp, Việt Nam có đặc điểm là đô thị phát triển song song với làng xã; các làng ven đô thường biến thành các đô thị ven đô. Các làng này đều có nghề truyền thống. Do đó, văn hóa phi vật thể là vấn đề cần phải đi kèm trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ nghề thế nào, cần được Nhà nước quan tâm hơn nữa.

Hà Nội hiện có 1.270 làng nghề, chiếm khoảng 80% tổng số đơn vị hành chính làng trên toàn thành phố; trong đó có 224 làng nghề truyền thống. Đây là một lợi thế lớn trong quá trình đô thị hóa của Thủ đô. Ông Alain Chevalier, thành viên của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho rằng, cần giữ gìn và phát triển các làng nghề theo hướng xây dựng các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, phát huy những sản phẩm có giá trị thặng dư cao. Ngoài thế mạnh làng nghề, Hà Nội còn thế mạnh nữa là sản xuất nông nghiệp. "Hiện lúa vẫn là sản phẩm chính, nhưng tới đây, sẽ giảm dần nhường chỗ cho các nông sản có giá trị thặng dư cao như: rau, hoa, quả, thủy sản, chăn nuôi" - ông Alain Chevalier nói. Và cho dù có phát triển thế nào, các ý kiến trong diễn đàn vẫn cho rằng, nhất thiết phải duy trì hoạt động nông nghiệp ở những vùng ven đô.


Là quốc gia đã phải đối mặt với hiện tượng đô thị hóa mạnh mẽ vào năm 1950 - 1960, nhưng tác động của quá trình này vẫn ảnh hưởng tới xã hội hiện nay, Chính phủ Pháp đã thành công trong áp dụng các biện pháp thể chế đặc thù như xây dựng các đô thị mới xung quanh Paris; đồng thời đưa ra các công cụ quản lý đất đai với tầm nhìn dài hạn nhằm phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn của Pháp trong lĩnh vực này để xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải

Theo Kinh Tế Đô Thị
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.